Kinh nghiệm phòng tránh thuế chống bán phá giá của Công ty Asama Việt Nam
Công ty TNHH Asama Yuh Jiun Intl Việt Nam (gọi tắt là Công ty Asama Việt Nam), 100% vốn Đài Loan, đóng tại KCN Sóng Thần II, TX.Dĩ An, chuyên sản xuất xe đạp các loại. Đây là một doanh nghiệp (DN) lớn, có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, nhưng vẫn vướng sắc thuế chống bán phá giá do Liên minh châu Âu áp đặt với thời hạn kéo dài 5 năm! Từ vụ việc này, Công ty Asama Việt Nam đã rút ra bài học kinh nghiệm không chỉ cho riêng mình... Hoạt động sản xuất tại Công ty Asama Việt Nam
Chiến lược sản xuất kinh doanh mới của Công ty Asama Việt Nam đã mang lại sức sống, niềm tin cho toàn công ty và 120 lao động trực tiếp sản xuất. Ngoài mức thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/người/tháng, cùng các chế độ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật, người lao động tại công ty còn được tham gia vào các tổ chức Đoàn, Hội để nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật và nhận thức tốt hơn về cuộc sống...
Bản lĩnh doanh nhân
Xe đạp Asama là một thương hiệu lớn, có mặt hầu như khắp thế giới với nhiều mặt hàng xe đạp điện, xe đạp thể thao, xe đạp thời trang... Thời gian sản xuất kinh doanh thuận lợi, công ty cũng đã gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, “thương trường là chiến trường”, công việc sản xuất kinh doanh của Công ty Asama Việt Nam không thuận buồm xuôi gió mãi mà đã gặp không ít trở ngại ngoài ý muốn. Với sắc thuế chống bán phá giá do Liên minh châu Âu áp đặt với thời hạn kéo dài 5 năm, có lúc công ty rơi vào tình trạng cực kỳ căng thẳng, khó khăn. Thực tế đã có nhiều DN phải bỏ cuộc, mất thị trường dẫn đến phá sản vì bị áp loại thuế này, thế nhưng Công ty Asama đã biết vượt qua, vươn lên từ khó khăn.
Để phòng tránh bị áp thuế chống bán phá giá có thể xảy ra, ảnh hưởng bất lợi đến DN, ông Châu Vĩ Chí, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty Asama Việt Nam, chia sẻ: “Phải cân nhắc kỹ và thận trọng trước các đơn hàng ồ ạt tập trung vào chỉ một thị trường, nhất là với các đơn hàng lớn nhưng chỉ yêu cầu cung cấp các mặt hàng có giá trị từ trung bình trở xuống; phải bảo đảm lưu giữ đầy đủ các chứng từ, sổ sách để chứng minh khi có yêu cầu. Đặc biệt là phải chủ động nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời, hợp lý, có sự phối hợp đồng bộ, nhất quán với các ngành chức năng. Khi bị áp thuế chống bán phá giá thì coi như mất hẳn thị trường, nhưng đừng vì thế mà tuyệt vọng mà thay vào đó là tinh thần chủ động, không khuất phục trước mọi khó khăn”.
Ông Châu Chí Vĩ cho biết thêm, để vượt qua khó khăn khi bị áp thuế chống bán phá giá, DN phải chủ động kết hợp với các cơ quan chủ quản như Bộ Công Thương, Hiệp hội ngành hàng, các cơ quan thông tấn báo chí để vừa đấu tranh bề rộng, lẫn chiều sâu. Trong đó, Hiệp hội ngành hàng và Bộ Công Thương, mà chủ yếu là Cục Quản lý cạnh tranh, đưa ra tiếng nói chung mang tính nhất quán nhằm khẳng định việc áp thuế trên là phi lý, thiếu cơ sở, không khách quan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hợp pháp của DN có thể dẫn đến phá sản, kéo theo hàng loạt các hậu quả kinh tế, xã hội khác... Thông tin báo chí là cực kỳ quan trọng vì qua đó DN, các cơ quan hữu quan hiểu biết rõ thực trạng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng xã hội, góp phần mạng lại hiệu quả đấu tranh. Một điều quan trọng khác là thời hạn áp thuế kéo dài tới 5 năm, DN bị áp thuế đừng thụ động ngồi chờ người ta tuyên bố bãi bỏ quyết định mới khởi động lại thị trường mà trước đó phải chuẩn bị để tham gia thị trường trở lại với tinh thần lạc quan, chủ động và tự tin hơn.
Trách nhiệm doanh nghiệp
Kinh nghiệm mà Công ty Asama gặt hái được trong bài học vừa qua là đừng tuyệt vọng, đừng bỏ hẳn thị trường đã gầy dựng mà phải duy trì, nuôi dưỡng khách hàng bằng mọi cách có thể được. Hiện nay, thuế chống bán phá giá tại thị trường châu Âu đối với xe đạp Asama đã được bãi bỏ, Công ty Asama Việt Nam đã trở lại thị trường này với tinh thần mới, phong cách mới vững vàng, tự tin hơn. Để không “mắc bẫy” như lần trước và bảo đảm phát triển thị trường bền vững, công ty đề ra chiến lược phát triển mới là: Chọn phân khúc cao với hàng hóa chất lượng, đạt tiêu chuẩn châu Âu; hạn chế và có thể ngừng cung cấp dòng hàng giá rẻ. Asama là thương hiệu nổi tiếng, xu hướng người tiêu dùng lựa chọn Asama không chỉ vì đây là mặt hàng tốt, bền, đẹp mà còn bởi sự sang trọng, quý phái mà nhiều loại xe đạp khác không có được. Rút kinh nghiệm từ vụ bị áp đặt thuế chống bán phá giá của Liên minh châu Âu vừa qua, Asama sẽ không sản xuất, xuất khẩu ồ ạt một mặt hàng tập trung vào một thị trường. Điều này sẽ giúp công ty tránh được 3 nguy cơ là bị đánh thuế chống bán phá giá; sản xuất nhiều nhưng giá trị gia tăng không cao, hiệu quả thấp; phòng tránh sự liên kết của một số DN nước ngoài lợi dụng mua hàng của chúng ta chỉ để lấy chứng chỉ xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi thuế quan, rồi quay trở lại cạnh tranh với chúng ta.
Về mặt quản lý Nhà nước, cơ quan cấp phép đầu tư cần xem xét, tìm hiểu năng lực sản xuất của DN mới đăng ký nhằm tránh tình trạng đăng ký để lấy C/O chứ thật ra không sản xuất hoặc sản xuất chỉ mang tính đối phó nhằm lợi dụng cái nhãn “made in Việt Nam” để được thụ hưởng ưu đãi thuế quan. Đối với những DN như vậy, sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của không chỉ DN trong ngành mà cả nền công nghiệp quốc gia!
DUY CHÍ