Kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp môn văn

Thứ hai, ngày 07/04/2014

Còn 2 tháng nữa đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Hiện nay, giáo viên (GV) bộ môn ở các trường THPT đang khẩn trương ôn tập cho học sinh (HS). Để nâng cao chất lượng thi, các GV bộ môn ở các trường THPT đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm ôn tập. Dưới đây là kinh nghiệm ôn thi môn văn của một số GV mà chúng tôi đã ghi được tại hội thảo nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp, do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức mới đây.  

Giáo viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp môn ngữ văn. Ảnh A.SÁNG

Theo thầy Võ Văn Thành, trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An): “Trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp câu hỏi kiến thức luôn chiếm 2 điểm. Mỗi GV đều có những phương pháp ôn tập cho HS theo cách của riêng mình. Riêng tôi, với phần câu hỏi kiến thức tôi tiến hành dạy và ôn theo trình tự các bước sau: Hướng dẫn HS nắm vững nội dung cốt truyện, đây là bước đầu tiên rất quan trọng, giúp HS nắm vững cốt truyện, diễn biến truyện, tránh áp đặt hoặc “suy diễn - sáng tạo - tưởng tượng - hư cấu” những chi tiết không có trong tác phẩm; yêu cầu HS tóm tắt chi tiết nội dung văn bản; hướng dẫn HS nắm nội dung tác phẩm bằng cách sơ đồ hóa tác phẩm; kế đến là xây dựng câu hỏi, hướng dẫn HS nhận diện câu hỏi và cách trả lời; cuối cùng là kiểm tra và đánh giá. Để kiểm tra việc học bài, nắm kiến thức và cách làm bài của HS, những GV dạy văn của trường dùng hệ thống câu hỏi kiến thức đã xây dựng được cho HS làm bài kiểm tra 15 phút và kiểm tra chung. Qua kết quả, chúng tôi thống kê và đánh giá mức độ hiểu bài, cách trả lời của HS”.

Nói đến dạng đề nghị luận xã hội, những GV ở tổ văn của trường THPT Bến Cát đã rút ra kinh nghiệm, đây là phần câu hỏi dễ “ăn điểm”, nhưng nhiều HS vẫn chưa có kỹ năng làm tốt đề văn dạng này. Văn nghị luận xã hội khác với nghị luận văn học ở chỗ nó là những kiến thức được tích lũy và lấy ra từ cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, HS cần tìm kiếm, học hỏi và nắm bắt thông tin nhanh chóng. Muốn vậy HS cần khai thác thông tin trên báo, đài; ghi chép lại những nhân chứng, bài học, tình huống hay và có ý nghĩa trong cuộc sống để làm tư liệu dẫn chứng cho bài làm.

Bài nghị luận xã hội thường có yêu cầu về số lượng câu chữ, HS cần phân phối thời gian làm bài phù hợp, tránh viết dài dòng. Trên cơ sở dàn ý, HS cần luyện cách viết và trình bày ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và có tính thuyết phục cao.

Trong khi đó, các GV tổ ngữ văn của trường THPT Nguyễn Trãi (TX.Thuận An) chia sẻ kinh nghiệm ôn tập dạng đề nghị luận văn học. Về phương pháp dạy, GV cần cung cấp cho HS kỹ năng làm bài và các dạng đề bài thường gặp; hướng dẫn HS cách nhận dạng đề; các luận điểm cần triển khai trong bài nghị luận; cách triển khai trong từng luận điểm về nội dung; tách đoạn theo từng luận điểm để bố cục bài viết được rõ ràng, mạch lạc. Sau khi học xong một tác phẩm văn học, GV nên ra những đề bài có thể thi tốt nghiệp để HS luyện tập. GV hướng dẫn HS làm dàn ý những đề bài này, trong quá trình ôn tập phải yêu cầu HS học thuộc. Sau khi HS lập dàn bài, GV cho HS viết bài hoàn chỉnh và chỉnh sửa trực tiếp trên bài làm để HS rút kinh nghiệm.

Về phương pháp học, HS cần nắm được phong cách tác giả, hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa nhan đề. Tóm tắt tác phẩm nắm được những chi tiết quan trọng. Xác định được các vấn đề trọng tâm trong tác phẩm văn xuôi. HS cần nắm vững kỹ năng làm bài và thường xuyên luyện tập với những dạng đề cụ thể.

Phương pháp làm bài của HS: Đọc kỹ đề và làm các bước sau: Tìm hiểu đề, lập dàn ý, lựa chọn dẫn chứng và thực hành (viết mở bài, dựng đoạn, kết bài).

A.SÁNG - N.THANH (ghi)