Kinh nghiệm giảng dạy và ôn thi THPT quốc gia môn lịch sử
Chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) nói chung và các trường THPT nói riêng đã có định hướng tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh (HS) lớp 12 đối với các môn thi. Lịch sử là một trong số các môn thi tự chọn trong kỳ thi quốc gia sắp tới. Để nâng cao chất lượng thi ở môn học này, giáo viên (GV) dạy bộ môn đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để HS học và ôn tập đạt hiệu quả hơn.
(BDO)
Một tiết ôn tập của HS trường THPT Võ Minh Đức (TP.TDM)
Năm học này là năm thứ hai Bộ GD-ĐT thực hiện đổi mới thi cử, kỳ thi quốc gia vừa sử dụng xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đề thi ra theo hướng đánh giá năng lực HS nên có những câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tế và câu hỏi vận dụng. Từ những thay đổi này, cô Nguyễn Thị Bích Nhuần, trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên) cho rằng, mỗi GV phải nhanh chóng nắm bắt tình hình và thay đổi phương pháp ôn tập cho phù hợp. Kinh nghiệm của cô là, trong khi học nên tạo tâm lý thoải mái cho HS, không nên gây áp lực cho các em. Thông thường khi thấy quá nhiều sự kiện và mốc thời gian HS sẽ thấy nản, những lúc ấy GV không nên ép HS, mà phải ôn tập theo kiểu thấm dần, thấm chắc HS mới có kết quả thi tốt. Kiến thức thi bao gồm toàn bộ chương trình lớp 12, GV phải giúp HS nắm vững kiến thức cơ bản theo từng bài, từng chương hoặc từng chuyên đề. Trong kỳ thi THPT quốc gia luôn cần các em có khả năng phân tích tổng hợp đánh giá dựa trên sự ghi nhớ một cách chính xác về lịch sử, đối với mỗi dạng bài HS cần chuẩn bị cách làm bài phù hợp ở các thể loại khác nhau. Bên cạnh đó, GV phải hướng dẫn HS nắm bắt kịp thời những thông tin thời sự đang diễn ra để phân tích, đánh giá một cách chính xác một sự kiện lịch sử. GV tập cho HS làm quen với các dạng câu hỏi. Khi trình bày kiến thức cơ bản ở từng bài, GV cần hướng dẫn HS phân tích, đánh giá rút ra nguyên nhân, ý nghĩa và tổng hợp kiến thức trong phạm vi bài học để có cơ sở tổng hợp kiến thức từng chương, từng phần, từng vấn đề…
Với các GV của trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), qua một năm thực hiện đổi mới thi cử, GV tổ sử đã rút ra kinh nghiệm và hướng dẫn HS trong việc ôn tập. Theo cô Trần Thị Tuyết Nhung, HS nên bám sát chuẩn kiến thức - kỹ năng, không nên đọc quá nhiều tài liệu. Khi ôn tập các em nên xem trước tài liệu trước khi đến lớp, vào lớp nghe giảng, về nhà làm đề cương tóm tắt và trả lời hệ thống câu hỏi ở các cấp độ nhận thức rồi tự đánh giá kết quả. Trước khi học cả bài nên nắm chắc dàn ý của bài, học theo trình tự chặt chẽ từ chương, bài, mục… sau đó tóm tắt lại những nội dung cơ bản đã học và trình bày sơ lược ra giấy. Không nên học quá chi tiết mà phải chọn lọc kiến thức cơ bản, nắm các sự kiện và mô tả, đánh giá, nhận xét được. Sử dụng các bộ đề năm trước tập cách nhận diện đề rồi trả lời, sau đó so sánh với đáp án. Các em cần phải nhớ đúng những thuật ngữ lịch sử, không sai phạm tư tưởng. Phải học kiến thức toàn diện, không học tủ, học lệch, không quá sa đà vào chi tiết.
Với thầy Lê Hắc Tùng, trường THPT Dầu Tiếng, năm học 2014-2015 có 100% HS do thầy ôn tập đã chọn thi môn sử để xét tốt nghiệp đều đạt trên trung bình, có em đạt điểm cao nhất là 8,75 điểm. Theo kinh nghiệm của thầy Tùng, trong quá trình ôn tập, thầy luôn nhắc nhở HS không nên tạo cho mình quá nhiều áp lực. Các em nên nhớ học không chỉ để thi, mà còn để biết, để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về lịch sử xã hội.
Về kiến thức, các em phải đọc kỹ, đọc nhiều lần để ghi nhớ. Trong quá trình học phải biết phân tích tổng hợp, nhìn nhận một vấn đề, các sự kiện lịch sử trong một chỉnh thể, học sự kiện này phải liên tưởng đến sự kiện trước và sau nó, học sử thế giới thì phải liên hệ đến sử Việt Nam cùng thời điểm hay có liên quan và ngược lại. Tuy nhiên, không nên học theo kiểu ghi nhớ mà không có sự tư duy. Nếu các em cho rằng học khối C nói chung, lịch sử nói riêng chỉ cần nhớ là đủ thì suy nghĩ đó hoàn toàn sai lầm. Trong các đề thi tốt nghiệp, đại học luôn cần thí sinh có khả năng phân tích tổng hợp, đánh giá dựa trên sự ghi nhớ một cách chính xác về lịch sử, đối với mỗi dạng bài HS cần chuẩn bị cách làm bài phù hợp ở các thể loại khác nhau, như chứng minh hay so sánh.
Các em cần lưu ý có thời gian học hợp lý, lúc cảm thấy mệt không thể tập trung thì hãy nghỉ ngơi thư giãn. Ngoài ra các em cần phải bảo đảm có sức khỏe tốt, một chế độ dinh dưỡng hợp lý trong khi ôn thi.
H.THÁI (ghi)