Kinh hoàng giẫm đạp, chen lấn lên máy bay di tản khỏi Tacloban

Thứ tư, ngày 13/11/2013

  Một bà mẹ bật khóc sau khi gia đình cô không lên được máy bay

Khi hai chiếc máy bay vận tải C-130 của Không quân Philippines hạ cánh xuống Tacloban vào sáng sớm 12.11 (giờ địa phương), hơn 3.000 người vốn cắm trại chờ sẵn bên ngoài sân bay đã tràn qua hàng rào sắt bị sập để chạy ra đường băng, với hi vọng được thoát khỏi thành phố tan hoang này, AP cho hay.

Chỉ có vài trăm người lên được máy bay, số còn lại vẫn phải chờ đợi tại Tacloban - nơi thực phẩm, nước uống khan hiếm và xác chết trương sình vẫn nằm la liệt ngoài đường.

Vài chục người lính và một số sĩ quan cảnh sát cố ngăn đám đông tràn vào bên trong sân bay. 

Trong cơn mưa rả rích, các bà mẹ giơ con mình lên khỏi cao khỏi đầu, với hi vọng được ưu tiên.

Một phụ nữ khoảng 30 tuổi đã khụy xuống, người run lên bần bật.

“Tôi đã cầu xin mấy anh lính. Tôi đã quỳ và van xin vì tôi bị tiểu đường. Không lẽ họ muốn tôi chết ở sân bay hay sao? Họ lạnh lùng quá”, cô Helen Cordial, một cư dân Tacloban, run rẩy nói.

“Chúng tôi cần giúp đỡ. Nhưng không có gì xảy ra hết”, Aristone Balute, một cụ bà 81 tuổi nói. Bà cũng không lên được máy bay.

“Chúng tôi đã không ăn gì suốt từ trưa hôm qua”, bà than thở. Trong bộ quần áo ướt sũng nước, mặt bà Balute đẫm nước mắt.

Việc chen lấn để được lên máy bay tại sân bay Tacloban chỉ là một trong vô số những sự thống khổ mà người dân ở thành phố này phải gánh chịu kể từ sau khi siêu bão Hải Yến quét qua vào hôm 8.11.

Tacloban, thành phố có khoảng 220.000 người sinh sống, thuộc đảo Leyte, là nơi bị tàn phá nặng nề nhất tại Philippines.

Phần lớn người dân ngủ dưới mưa trong các ngôi nhà đổ nát, dưới những cái cây đổ hoặc ngay trên đường.

Một số người may mắn được cấp lều do chính phủ và các nhóm cứu trợ cung cấp.

Joselito Caimoy, một tài xế xe tải 42 tuổi, là một trong những người may mắn tại sân bay Tacloban. Anh đã đưa được vợ, con trai và con gái 3 tuổi lên máy bay.

Họ tạm biệt trong nước mắt vì Caimoy phải ở lại để canh gác đồ đạc và tài sản còn sót lại.

 “Mọi người đào bới trên các con đường, xin thức ăn từ người thân, bạn bè. Mất mát là quá lớn… Các cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm đều bị cướp sạch hết rồi”, Caimoy nói.

Theo TNO