Kinh doanh thuốc tây theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó ”
(BDO) Mặc dù treo bảng hiệu kinh doanh (KD) thuốc Đông y, dược liệu, nhưng nguồn thu chính của các cửa hàng này là bán thuốc tây. Đây là một hình thức KD lách luật đang nở rộ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Và nếu không quan sát kỷ khi đi mua thuốc, khách hàng cũng khó phân biệt được đâu là cửa hàng Đông y, dược liệu, đâu là cửa hàng thuốc tây.
Trong vai một bệnh nhân, P.V đã ghé vào các cơ sở kinh doanh Đông y, dược liệu tại chợ Phú Chánh A mua thuốc tây theo phản ánh trong bài viết
Thủ phủ thuốc tây “đội lốt” Đông y
Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ tính riêng địa bàn TP.Thủ Dầu Một hiện có khoảng 115 cơ sở treo bảng KD các loại thốc Đông y, dược liệu, nhưng nguồn thu chính của các cửa hàng vẫn là thuốc tây. Các cơ sở rải khắp 14 phường trên địa bàn, nhưng tập trung số lượng lớn ở 2 địa bàn là phường Phú Hòa và Hòa Phú. Trong đó, phường Hòa Phú có 25 cơ sở, phường Phú Hòa 21 cơ sở.
Nếu như ở phường Phú Hòa, các cơ sở KD rải đều trên các tuyến đường, khu phố; thì tại phường Hòa Phú, các cơ sở KD thuốc tây lách luật này chủ yếu tập trung tại chợ Phú Chánh A. Chỉ vài tuyến đường trong khu dân cư quanh chợ như Đ11, Đ12, Đ5, D9 đã có trên 20 tiệm thuốc bán thuốc tây “đội lốt” cơ sở KD đông y, dược liệu. Có thể nói khu vực này là thủ phủ KD thuốc tây. Các tiệm thuốc ở đây mọc dày trên các cung đường, còn nhiều hơn cả quán cà phê hay cửa hàng tạp hóa.
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao chỉ trong vài năm gần đây, các cửa hàng KD thuốc mọc lên san sát như thế, bác sĩ T.M.T. người làm chủ một phòng khám lớn gần chợ, cho biết: “Ngoài việc trên địa bàn có nhiều công nhân lao động sinh sống, đô thị hóa phát triển nhanh, thì cách quản lý mặt hàng KD này đang buông lỏng, không tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để. Vì thế, khi nhìn thấy người này KD được, người khác làm theo”. Theo bác sĩ T. việc KD thuốc tây không được kiểm soát tốt, sẽ gây ra hậu quả khó lường. Bởi khi khách hàng vào mua thuốc, chủ các cửa hàng chỉ hỏi đau gì, mua uống mấy ngày thế là bán. Không cần hỏi người mua bao nhiêu tuổi, mua cho ai, nam hay nữ, có bệnh lý gì không? Hay ít nhất cũng tư vấn, khuyến cáo, nhắc nhở người mua thuốc trước, hay sau khi ăn. Bởi mỗi loại bệnh, có những loại thuốc khác nhau. Chứ không phải loại thuốc nào cũng uống sau khi ăn. Nếu không may uống thuốc vào bị tác dụng phụ, gây ra hậu quả khó lường thì ai chịu trách nhiệm? “Cách đây vài tháng, phòng khám của tôi tiếp nhận một bệnh nhân phù nề cả người, nhìn rất ghê. Khi hỏi ra thì biết người này đã ghé cửa hàng Đông y, dược liệu B.A mua thuốc cảm sốt. Không hiểu sao sau khi bệnh nhân uống thuốc vào thì bị phù nề. Tôi liền hướng dẫn người nhà đưa bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu, cũng may không ảnh hưởng đến tính mạng”, bác sĩ T. cho biết.
Theo lời hướng dẫn của bác sĩ T. nhóm P.V chúng tôi hóa vai khách hàng để tìm hiểu thực hư. Phải nói rằng, nếu không quan sát kỹ, căng mắt đọc những hàng chữ trên cửa tiệm, khó có thể phân biệt đâu là cơ sở Đông y, dược liệu và đâu là cửa hàng thuốc tây. Bởi cách trang trí cửa hàng, trưng bày sản phẩm của các cơ sở KD thuốc Đông y, dược liệu không khác nào cửa hàng thuốc tây. Khi đến cơ sở Đông y, dược liệu MQ. trên đường Đ5, tôi hỏi bán cho liều thuốc viêm họng, chủ cửa hàng là một phụ nữ chỉ hỏi uống mấy ngày và không nói thêm gì. Tôi trả lời uống một ngày và chỉ vài phút sau, vài viên thuốc tây được đưa ra với mức giá 30.000 đồng. Trong khi đó, cũng liều thuốc viêm họng như thế này, tôi mua ở cửa hàng thuốc tây tại chợ Thủ Dầu Một chỉ có giá 15.000 đồng.
Tương tự, chúng tôi ghé cở sở KD thuốc Đông y, dược liệu HQ. trên đường Đ11 hỏi mua liều thuốc tiêu chảy uống một ngày. Người đàn ông là chủ tiệm thuốc cũng không hỏi mua thuốc cho ai, hay ăn gì, uống gì mà bị tiêu chảy. Cứ thế anh ta đi lục lấy ra vài viên thuốc rồi kêu giá 20.000 đồng/3 lần uống. Cũng tại đường Đ11, chúng tôi ghé cơ sở Đông y, dược liệu H.L, hỏi mua thuốc cảm. Khi tôi hỏi chủ cửa hàng rằng: “Các chị bán thuốc Đông y, dược liệu mà KD cả thuốc tây như thế không sợ bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt?”. Người phụ nữ đang loay hoay phân thuốc cho khách trả lời: “Ở đây em sắp lên bằng rồi, bán tạm vài hôm sẽ có bằng”. Như vậy, qua câu trả lời này, có thể hiểu tiệm thuốc này không có giấy phép KD thuốc tây và đang bán “lụi”.
3 cơ quan giám sát, xử phạt nhưng “không trôi”!
Theo tìm hiểu của P.V, việc cấp phép, hành nghề KD các tiệm thuốc Đông y, dược liệu và thuốc tây trên địa bàn tỉnh do Sở Y tế cấp phép. Ở cấp thành phố như Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, người được cấp phép và hành nghề bán thuốc tây phải có bằng dược sĩ đại học. Ở tuyến huyện là dược sĩ trung học. Mỗi tấm bằng dược sĩ đại học hay trung cấp dược chỉ được phép KD duy nhất một cơ sở KD thuốc tây ở cấp thành phố hay huyện, thị. Và như thế, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một người có bằng trung cấp dược chỉ được phép KD các cơ sở Đông y, dược liệu chứ không được cấp phép bán thuốc tây. Để lách luật trong KD, những người có bằng trung cấp dược đã xin cấp phép hành nghề KD Đông y, dược liệu và bán xen cả thuốc tây. Và nguồn thu chính của các cửa tiệm này là thuốc tây.
Việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở KD này là Thanh tra Sở Y tế, Phòng Y tế TP.Thủ Dầu Một. Cấp phường cũng có quyền kiểm tra, xử phạt các cơ sở KD thuốc không đúng phạm vi KD, xử phạt ở mức từ 5 triệu đồng trở xuống. Như vậy, để kiểm tra, xử phạt các cơ sở KD đông y, dược liệu bán xen lẫn thuốc tây có đến 3 đơn vị. Tuy nhiên, vì sao các cơ sở KD thuốc theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” như thế mọc lên ngày càng nhiều và không được xử lý dứt điểm?
Nói về việc quản lý các cơ sở hành nghề KD thuốc trên địa bàn, bác sĩ Cao Thanh Tùng, Trưởng phòng Y tế TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một hiện có hơn 100 cơ sở KD Đông y, dược liệu. Mỗi lần kiểm tra việc KD ở các cở sở này, phòng y tế phải lập kế hoạch gửi UBND thành phố phê duyệt, lập đoàn kiểm tra, mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, nhân sự của phòng thì thiếu”.
Từ cuối năm 2019 đến nay, Phòng Y tế TP.Thủ Dầu Một có 2 lần lập đoàn kiểm tra tại địa bàn chợ Phú Chánh A, phường Hòa Phú. Lần gần đây nhất là những ngày cuối tháng 4-2020, đoàn đã kiểm tra tổng cộng 8 cơ sở KD Đông y, dược liệu thì có đến 5 cơ sở sai phạm về việc KD thuốc không đúng với phạm vi KD. Đó là việc các cơ sở này đã bán xen lẫn thuốc tây với Đông y, dược liệu. Mức phạt là 7.500.000 đồng, vi phạm quy định tại Điểm đ, khoản 2, Điều 37 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP. Kèm theo hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện KD thuốc trong thời hạn 2 tháng theo quy định tại Điểm b, khoản 3, Điều 37 Nghị định số 167/NĐ-CP. Trong 5 cơ sở sai phạm này, có một cơ sở KD thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện KD thuốc. Đó là trường hợp của ông Q., ở phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một. Mức phạt cho ông Q. là 12.500.000 đồng…
Tuy nhiên, khi P.V đặt câu hỏi, liệu rằng sau khi xử phạt, các cơ sở KD thuốc Đông y, dược liệu lại tiếp tục KD thuốc tây và đến bao giờ mới xử lý dứt điểm. Nếu không may các cơ sở bán thuốc tây cho bệnh nhân, xảy ra những hậu quả khó lường thì ai chịu trách nhiệm? Bác sĩ Cao Thanh Tùng cho biết: “Tới đây, Phòng Y tế sẽ có báo cáo gửi lên UBND TP.Thủ Dầu Một cũng như Sở Y tế, qua đó sẽ có đợt kiểm tra cao điểm trên toàn bộ địa bàn thành phố, cũng như có cách giải quyết triệt để về hình thức KD lách luật này”.
Từ thực tế KD Đông y, dược liệu bán xen lẫn thuốc tây; hay nói rõ hơn là một hình thức KD thuốc tây lách luật, nếu các cơ quan chức năng không tăng cường kiểm tra, không có hình thức xử phạt, răng đe thì việc KD như thế vẫn tiếp diễn. Nhà nước thì thất thu thuế, trình độ chuyên môn của người KD không cao, nên bệnh nhân có thể lãnh đủ khi đến mua thuốc tại các cơ sở này .
QUANG TÁM