Kinh doanh hiệu quả hơn từ sàn thương mại điện tử
(BDO) Xu thế tất yếu
Nhờ biết nắm bắt thị trường và chủ động sử dụng công nghệ, ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ cơ sở sản xuất nhang Đài Loan tại TP.Dĩ An đang tích cực đẩy mạnh việc đưa sản phẩm của cơ sở mình lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và các mạng xã hội Facebook, Zalo… Ông Vinh cho biết, để đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử, sản phẩm phải đạt được chất lượng. Mới đây, xưởng đã cho ra dòng sản phẩm nhang sạch từ thảo dược, trầm, quế… do nhu cầu đơn đặt hàng nhiều.
“Chúng tôi sẽ tập trung mở rộng sản xuất những sản phẩm này theo yêu cầu của khách hàng. Đại dịch Covid-19 đã tạm lắng, nhưng mua sắm online và đa kênh vẫn đang là xu hướng thịnh hành. Không chỉ vậy, người tiêu dùng còn đặc biệt quan tâm và khắt khe hơn đến vấn đề sức khỏe khi ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, dán nhãn xanh, sạch”, ông Vinh chia sẻ.
Cán bộ hải quan thực hiện soi chiếu hàng hóa chuyển phát nhanh của doanh nghiệp tại Chi cục Hải quan Sóng Thần
Có thể nói, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành trạng thái mở cho DN Việt để phục hồi và tăng tốc trên trường đua thương mại quốc tế. Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, trước đây hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) dường như chỉ dành cho các DN có quy mô lớn và khả năng tiềm lực kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay những DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng có thể bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu nếu họ thực sự chủ động.
Ông Trần Đỗ Hoài Bảo, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất thương mại He Vi, TX.Bến Cát, cũng chia sẻ xây dựng thương hiệu là việc khó nhưng giữ được thương hiệu càng khó hơn. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, cạnh tranh ngày càng quyết liệt, DN Việt Nam, nhất là DN vừa và nhỏ càng cần theo kịp công nghệ để không bị bỏ lại phía sau. Ông Bảo hy vọng, việc tận dụng được các sàn thương mại điện tử, sẽ mở ra thêm cơ hội cho DN vừa và nhỏ được tiếp cận thị trường rộng lớn với sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường; đồng thời len vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống.
Đáp ứng nhu cầu
Mới đây, Lazada logistics Việt Nam vừa chính thức khánh thành Lazada Logistics Park với tâm điểm là trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao có quy mô hiện đại bậc nhất tại KCN Sóng Thần 1. Với tổng diện tích lên tới gần 20.000m2, trung tâm phân loại mới có khả năng xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày và mức độ tự động hóa lên đến 99% nhờ hệ thống công nghệ hiện đại gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và machine learning (học máy).
Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam, cho biết trung tâm phân loại hàng hóa mới không chỉ là bước đột phá trong quá trình phát triển của Lazada Logistics, mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành logistics thương mại điện tử tại Việt Nam nói chung. “Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực này, Lazada Logistics sẽ đóng góp tích cực vào việc xây dựng một hệ sinh thái logistics thương mại điện tử bền vững, qua đó đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng cao của người dùng”, ông Vũ Đức Thịnh khẳng định.
Cục Hải quan Bình Dương cũng vừa chính thức triển khai thủ tục XNK hàng hóa qua dịch vụ chuyển phát nhanh tại Công ty Cổ phần Tân Cảng Express, tại địa chỉ số 7/20 đường ĐT743, khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, TP.Thuận An. Việc triển khai dịch vụ chuyển phát nhanh là cơ hội để các DN dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh phát triển và trưởng thành, tạo sự đột phá trong việc phát triển thương mại điện tử, đa dạng hóa loại hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, góp phần hình thành trung tâm logistics lớn của vùng, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định cho các khách hàng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Việc triển khai dịch vụ chuyển phát nhanh là loại hình mới trên địa bàn tỉnh. Nếu trước đây XNK hàng hóa trên địa bàn Bình Dương chủ yếu là qua đường biển và trung chuyển đi các cửa khẩu đường bộ đến các tỉnh khu vực phía Nam thì hiện nay DN có thể làm thủ tục hải quan cho hàng hóa chuyển phát nhanh ngay tại Bình Dương với hệ thống kho hàng không xuyên biên giới.
Ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, xuất khẩu online còn mới mẻ vì thương mại điện tử xuyên biên giới có những yêu cầu rất khắt khe. Tuy nhiên, nếu vượt qua các yêu cầu, tiềm năng của thị trường là rất lớn. Hiện có nhiều sàn thương mại điện tử quốc tế hỗ trợ DN Việt Nam bán hàng xuyên biên giới như Amazon, eBay, Alibaba, Shopee Global… Khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, xuất khẩu trực tuyến sẽ là đích đến của nhiều DN, với đủ loại hình và quy mô.
NGỌC THANH