Kinh doanh gas: Còn nhiều vi phạm
(BDO) Kinh doanh dầu mỏ, khí hóa lỏng (LPG) là loại hình kinh doanh có điều kiện vì tính chất nguy hiểm vốn có. Thế nhưng, các quy định về quản lý, xử phạt vi phạm trong kinh doanh LPG còn lỏng lẻo khiến tình trạng chiếm giữ chai LPG (vỏ gas), LPG chai (có gas) trái phép và mua bán tràn lan các loại bình gas cho những đại lý, cửa hàng không có chứng từ hợp đồng và không đủ các điều kiện kinh doanh gas hiện nay đang tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Vô tư kinh doanh gas ngoài hợp đồng
Theo ngành chức năng, trên 40% vỏ bình gas lưu thông trên thị trường hiện nay kém chất lượng, không an toàn. Trong ảnh:Lực lượng chức năng tỉnh niêm phong các chai LPG, LPG chai vi phạm kinh doanh ngoài hợp đồng trong đợt kiểm tra mới đây Ảnh: TRÚC HUỲNH
Tại cuộc kiểm tra mới đây, ngoài lực lượng chức năng của tỉnh còn có đại diện thương hiệu Sopet Gas One (Nhật Bản) và đại diện thương mại Công ty Khí hóa lỏng Việt Nam (VT Gas). Sau khi triển khai kế hoạch và ra quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh LPG, Tổ kiểm tra đã đến kiểm tra hộ kinh doanh gas Anh Vũ (số 690/13, khu phố Tân Phước, phường Tân Bình, TX.Dĩ An). Tại đây, tổ đã phát hiện cửa hàng bày bán lẫn lộn gas trong hợp đồng và ngoài hợp đồng với các nhà cung cấp. Ông Nguyễn Văn Sang, chủ cửa hàng này không có giấy chứng nhận tập huấn an toàn về LPG, dù đoàn kiểm tra liên ngành TX.Dĩ An đã lập biên bản vi phạm cách đây hơn một tháng. Ông Sang cũng không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc các chai LPG, LPG chai ngoài hợp đồng; đồng thời khai nhận đã mua số chai LPG ngoài hợp đồng từ các công nhân, khách hàng quen gần nhà vì có thể bán được nhiều thương hiệu gas.
Ông Sang một mực cho rằng: “Việc thu mua chai LPG khác hãng sản xuất là bình thường, vì khách hàng toàn đổi chai LPG không chính hãng do giá rẻ. Còn kinh doanh LPG chai ngoài hợp đồng thì gas loại nào cũng giống loại nào cả thôi”. Trước những lý lẽ, bằng chứng không thể chối cãi, ông Sang đã phải ký biên bản tạm thu giữ 16 LPG chai không niêm màng co, 24 chai LPG ngoài hợp đồng kinh doanh của các hãng như Sopet Gas One, Thủ Đức gas, Gia Đình gas, Origin, Pacific Petro...
Kiểm tra chi nhánh Công ty Cổ phần LPG Đại Lợi (khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TX.Thuận An), tổ kiểm tra cũng phát hiện chi nhánh bày bán 22 chai LPG ngoài hợp đồng. Còn tại cửa hàng gas Thanh Tâm gần đó, chủ cửa hàng không xuất trình được chứng từ, hợp đồng của 17 chai LPG và 2 LPG chai Sopet gas one loại 12kg không niêm màng co.
Qua đợt kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ sản phẩm vi phạm tại 3 cửa hàng nói trên về Chi cục Quản lý thị trường tỉnh để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Vẫn khó xử lý triệt để
Vừa giải thích vừa chỉ cho chúng tôi xem một trong các dấu hiệu nhận biết thương hiệu của nhãn hàng Sopet Gas One bị nghi giả nhãn hiệu, ông Võ Hoàng Đại Dương, đại diện Công ty Sopet Gas One cho biết, người tiêu dùng rất khó nhận biết những dấu hiệu LPG chai giả nhãn hiệu vì chúng đã được dán bằng tem giả y như thật. Điều này lý giải vì sao LPG chai bị chiếm dụng khá nhiều, chứng tỏ hành động xâm hại tài sản công ty gas đang diễn biến phức tạp.
Theo các chuyên gia trong ngành gas, 5 năm trở lại đây, ngành kinh doanh gas được xem là ngành khá béo bở, bởi tốc độ tiêu thụ luôn tăng trưởng ở mức khoảng 20%/năm. Điều này kéo theo nhiều doanh nghiệp, đại lý cửa hàng kinh doanh gas ra đời ở khắp các địa phương trong cả nước. Từ đó cũng dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, nhất là việc sang chiết gas trái phép, chiết nạp gas không đủ trọng lượng... |
Cùng chung bức xúc này, ông Bùi Quốc Thanh, đại diện thương mại VT gas khu vực miền Đông cho biết, ngành chức năng nên duy trì hoạt động phối kết hợp với các doanh nghiệp để kiểm tra, kiểm soát mặt hàng LPG, bởi tình trạng gas giả, chiếm dụng chai LPG tại thị trường Bình Dương diễn ra khá nhiều. Theo ông Thanh, công ty sản xuất 1 triệu bình gas nhưng khoảng 40 - 50% số lượng này bị thất lạc và không thể thu hồi về được. Tình trạng làm giả vỏ bình, chiết gas lậu không chỉ dẫn đến thị trường gas bị rối loạn mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng, vì trọng lượng gas thiếu hụt, độ an toàn kém, nhất là rất dễ gây ra cháy nổ, thiệt hại cho nhiều người.
Có thể thấy, việc các đối tượng làm hàng giả thu gom vỏ bình gas chính hãng ngoài thị trường để chiết nạp lậu, bơm gas kém chất lượng, không đủ trọng lượng rồi bán theo giá chính hãng đã trở thành nỗi bức xúc không chỉ của doanh nghiệp, nhà quản lý mà còn là của người dân. Song, theo ngành chức năng, việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và những đối tượng có hành vi vi phạm về lĩnh vực LPG còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi và có sự đối phó với các cơ quan chức năng, đòi hỏi lực lượng chức năng phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, huy động lực lượng và phương tiện, tổ chức theo dõi thời gian dài. Bên cạnh đó, việc khởi tố về sở hữu trí tuệ đối với hàng công nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể, khi khởi tố về sở hữu trí tuệ đối với lĩnh vực LPG phải có 2 điều kiện: quy mô thương mại thế nào; chủ thể là doanh nghiệp phải có đơn đề nghị khởi tố hình sự. Thế nhưng, quy mô thương mại là thế nào, bao nhiêu thì mới được gọi là có quy mô thì luật chưa có giải thích rõ ràng.
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, năm 2014, Bình Dương đã từng phát hiện, xử lý vụ buôn bán, vận chuyển gas giả trị giá trên 20 tỷ đồng, nhưng không khởi tố hình sự được do quy định xử phạt hình sự chưa rõ ràng. Sau một thời gian chờ đợi hướng dẫn xử lý, vụ việc được chuyển về xử lý theo yếu tố vi phạm hành chính. Mức phạt vi phạm hành chính chưa đủ tác dụng răn đe, phòng chống những người vì động cơ vụ lợi mà thực hiện kinh doanh sai phạm .
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho rằng, thủ tục, quy trình kiểm tra xử lý trong lĩnh vực LPG khá phức tạp, cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra khi có đơn đề nghị của đơn vị bị xâm phạm sở hữu trí tuệ. “Trong khi kinh doanh mặt hàng gas có hàng trăm dấu hiệu vi phạm nhưng khi kiểm tra thì chỉ một doanh nghiệp được tham gia đoàn. Điều này vô hình chung, nếu quản lý thị trường phát hiện cũng chỉ thu giữ, xử lý được một vài bình gas. Trong khi đó, còn rất nhiều trường hợp vi phạm về LPG không cùng lúc được xử lý kịp thời khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh LPG lậu, giả vẫn lộn xộn trên thị trường”, ông Danh nói.
TRÚC HUỲNH