Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc

Thứ tư, ngày 11/05/2022

(BDO) Xuất siêu 3,9 tỷ đô la Mỹ

Năm 2022 được đánh giá là một năm rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng bởi những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng do những nguyên nhân từ vấn đề địa chính trị cũng khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều bất lợi. Tuy nhiên, xuất khẩu Bình Dương vẫn đạt được những kết quả tăng trưởng ấn tượng.

Sản xuất lốp ô tô tại Công ty Cổ phần Hưng Hải Thịnh (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo)

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 4 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu rất khả quan. Tỉnh luôn quan tâm theo dõi tình hình DN, lao động, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN nắm bắt cơ hội để phát triển. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các DN xuất khẩu hàng hóa nhanh chóng đón đầu và tận dụng tối đa cơ hội. Từ tháng 10- 2021 đến nay xuất khẩu liên tục tăng mạnh, tháng sau cao hơn nhiều so với tháng trước.

Trong tháng 4-2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,52 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,5% so với tháng trước, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 669 triệu đô la Mỹ, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 19,8% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2,85 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 23,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của tỉnh ước đạt 12,46 tỷ đô la Mỹ, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước 2,31 đô la Mỹ, tăng 11,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 10 tỷ đô la Mỹ, tăng 12% so cùng kỳ. Duy trì mức xuất siêu 3,9 tỷ đô la Mỹ.

Chính sự năng động của chính quyền địa phương đã giúp nhiều DN dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng vẫn giữ vững được vị trí trong “bảng thành tích” xuất khẩu. Ông Phạm Minh Hà, Giám đốc Nhà máy sản xuất Lốp xe - Công ty Cổ phần Hưng Hải Thịnh (huyện Phú Giáo), cho biết: “Chúng tôi thật sự cảm kích sự hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương trong tỉnh để công ty hoạt động trở lại, vực dậy sản xuất và xuất khẩu trong năm 2022. 4 tháng đầu năm, sản xuất của công ty đi vào ổn định, tiếp tục phát triển theo kế hoạch. Chúng tôi đã có những phương án thích ứng với việc thiếu hụt nhân công bằng những cải tiến về quản trị lao động, nỗ lực giữ vững thị trường Mỹ với những sản phẩm lợi thế. Dự kiến tăng trưởng đạt 10% so với năm 2021”, ông Hà bày tỏ sự tin tưởng.

Hướng đến xuất khẩu bền vững

Trên những nền tảng sẵn có và những nỗ lực không ngừng từ chính quyền và cộng đồng DN, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng cao. Trong tháng 4, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,33% so với tháng trước và tăng 11,32% so với cùng kỳ, lũy kế 4 tháng đầu năm, tăng 7,55%.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng Bình Dương cần nhìn nhận rõ tỷ trọng đóng góp xuất khẩu lớn là khối các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tiềm ẩn rủi ro và nhiều yếu tố chưa bền vững. Thực tế, khối DN FDI cũng đã góp phần làm thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo. Nổi bật trong đó là các mặt hàng khu vực FDI chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối như điện thoại, máy vi tính và linh kiện.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, liên quan đến tính bền vững của xuất nhập khẩu, có 2 định hướng chính tỉnh rất quan tâm và Sở Công thương đang nỗ lực trong thời gian qua là tăng tính lan tỏa của DN FDI và nâng cao năng lực cạnh tranh của khối DN trong nước. Cụ thể, Bình Dương đã trao đổi, khuyến khích DN FDI tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua các nhà cung cấp trong nước; chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị hiện đại cho DN trong nước thông qua các dự án liên doanh, liên kết trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng.

Đối với nâng cao năng lực cạnh tranh của khối DN trong nước, tỉnh giao cho ngành công thương quan tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, vốn là khu vực mà DN trong nước chiếm đa số. Thời gian qua, ngành công thương đã chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn các DN trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ về cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cách thức tận dụng cơ hội để tăng cường xuất khẩu, chú trọng đào tạo về nghiệp vụ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại cho đội ngũ nhân lực của khu vực DN trong nước.

Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, trong điều kiện dịch bệnh, bị gián đoạn nguồn cung ứng từ nước ngoài, các DN FDI cũng đang tìm kiếm các nhà cung ứng đầu vào tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các DN trong nước, nhưng cũng là bài toán cạnh tranh về giá cả, công nghệ và chất lượng. Để tham gia vào việc cung ứng đầu vào, DN trong nước phải đầu tư và đưa ra sản phẩm cạnh tranh. Hiện nay có hàng trăm DN trở thành DN phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho DN FDI. Các DN trong nước cung ứng các sản phẩm điện tử dân dụng, dịch vụ lắp ráp điện tử, bo mạch điện tử, các sản phẩm cao su và nhựa, sản phẩm hỗ trợ trong các ngành công nghiệp...

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2021 đạt 336,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 19,0% so với năm 2020. Bình Dương vẫn giữ vững vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng, với tổng kim ngạch tăng 18% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 9,74% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo đánh giá của Bộ Công thương, Bình Dương trong năm 2021 dù hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn đạt tỷ trọng xuất khẩu tăng rất ấn tượng. Có được kết quả này phải kể đến sự nỗ lực, linh hoạt trong điều hành của tỉnh và sự thích ứng của cộng đồng DN.

TIỂU MY - CẨM TÚ

Từ khóa: