Kim ngạch xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng cao
(BDO) Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh khâu thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, thay vì chủ yếu làm gia công hoặc xuất khẩu mặt hàng dạng sơ chế như trước đây.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Gỗ Hiệp Long (TX.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng 12 - 15%
Thông tin từ Phòng Quản lý đầu tư và hợp tác quốc tế, Sở Công thương cho biết kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương trong năm 2018 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính, trong đó nhóm hàng công nghiệp chủ lực tăng 12 - 15% so với năm 2017. Sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, điện tử tiếp tục chiếm tỷ trọng cao, khoảng 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh; nhóm các mặt hàng nông sản tuy có nhiều biến động về giá xuất khẩu nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng từ 5 - 7% so với năm trước. Bình Dương đạt mức xuất siêu ước trên 5 tỷ USD.
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh trong năm 2018 ước đạt 25.251,6 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 100% kế hoạch năm 2018. Trong 10 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 9,42% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 19 tỷ 816 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước đạt 2.943,9 triệu USD, tăng 17% so với năm trước.
Cùng với đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra được xem là cơ hội lớn cho ngành dệt may của Việt Nam khi làn sóng đầu tư và đơn hàng xuất khẩu đang có xu hướng chuyển dần từ Trung Quốc sang Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại trong những năm qua đã và đang tạo động lực cho các doanh nghiệp ngành dệt may đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để được hưởng các ưu đãi thuế quan, góp phần làm tăng giá trị gia tăng của hàng dệt may xuất khẩu trong thời gian tới. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của tỉnh ước đạt 2.649,8 triệu USD, tăng 16,8% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 10,4% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Đặc biệt, giá nguyên vật liệu ngành dệt may ổn định, chỉ tăng trung bình từ 3 - 5% so với năm 2017, là một lợi thế cho các doanh nghiệp dệt may Bình Dương.
Hiện nay, việc ký kết và triển khai thực thi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang tạo nên cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành da - giày xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cũng như thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc tăng trưởng đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu và các nước tham gia CPTPP. Đối với Bình Dương, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành giày da ước đạt 2.971,4 triệu USD, tăng 16,7% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 12,1% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh...
Theo đánh giá của Sở Công thương, trong thời gian tới kinh tế thế giới phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức mới, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có nguy cơ cản trở đà tăng trưởng kinh tế thế giới, có thể ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của tỉnh. Vì vậy, các doanh nghiệp trong tỉnh cần chủ động, có kế hoạch dài hạn nhằm tận dụng cơ hội và hạn chế những rủi ro xảy ra.
Nâng cao tỷ trọng nội địa hóa, hàm lượng công nghệ, tri thức
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng nhìn nhận những tồn tại cần giải quyết một cách đồng bộ và có hiệu quả để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh theo hướng nâng cao tỷ trọng nội địa hóa và hàm lượng công nghệ, tri thức trong sản phẩm xuất khẩu chủ lực và dịch vụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, trên cơ sở thực hiện theo Chương trình số 23-CTr/TU và Chương trình số 24-CTr/TU ngày 16-8-2016 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là đẩy mạnh việc cải tạo và tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu - cụm công nghiệp, mạng lưới giao thông và dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong sản xuất, phân phối và xuất nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đầu tư quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các sản phẩm xuất khẩu để từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng hàm lượng trí thức và công nghệ trong sản phẩm xuất khẩu của tỉnh. Từ đó nhằm tăng năng lực cạnh tranh, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.
Chính quyền cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các đề án, quy hoạch, kế hoạch theo Kế hoạch số 3904/KH-UBND ngày 28-12-2012 của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh khâu thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, thay vì chủ yếu là gia công hoặc xuất khẩu dạng sơ chế; nội địa hóa nguồn nguyên liệu trong nước bảo đảm theo yêu cầu của nhà sản xuất, qua đó giải quyết tốt tình trạng biến động về giá cả xuất khẩu, khan hiếm nguyên liệu trên thị trường thế giới...
Theo Sở Công thương, đơn vị đang phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện 4 chương trình đột phá của Tỉnh ủy, trong đó trọng tâm là Đề án nâng cao tỷ trọng nội địa hóa và hàm lượng công nghệ, tri thức trong sản phẩm xuất khẩu chủ lực và dịch vụ hỗ trợ trong giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025; Đề án định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... Sở cũng đang phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nội dung các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết; thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics hỗ trợ xuất khẩu; xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường cho nông sản Bình Dương...
TIỂU MY