Kiên trì triển khai lộ trình xây dựng “vùng xanh”
(BDO) Sáng 13-8, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện: Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và TX.Bến Cát về kế hoạch xây dựng “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 đưa Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới” từ ngày 1-9.
Để trở lại trạng thái “bình thường mới” từ ngày 1-9, tỉnh quyết tâm kiểm soát tốt “vùng xanh”. Trong ảnh: Chốt kiểm soát bảo vệ “vùng xanh” xã An Bình, huyện Phú Giáo
Tiếp tục kiểm soát tốt “vùng xanh”
Báo cáo về tình hình phân chia bản đồ các khu vực nguy cơ đến chiều 12-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Bàu Bàng cho biết, huyện còn 2 địa phương, gồm: Thị trấn Lai Uyên và xã Hưng Hòa là vùng có nguy cơ. Riêng các xã Long Nguyên, Lai Hưng, Tân Hưng, Cây Trường II, Trừ Văn Thố có thể sẵn sàng trở lại “bình thường mới” sau 15-8.
Huyện Phú Giáo cũng đã lập bản đồ các khu vực vùng có nguy cơ và các địa phương sẵn sàng trở lại trạng thái bình thường mới. Địa phương này phân chia 3 cấp độ “vùng xanh”. Trong đó, các xã Tân Long, An Long, An Linh, An Thái có thể trở về trạng thái “bình thường mới”; các xã Tân Hiệp, Phước Sang có thể trở về “bình thường mới” một phần khi xã Tân Hiệp vẫn còn một phần nhỏ 2 ấp nguy cơ và xã Phước Sang còn một phần nhỏ 3 ấp nguy cơ.
Còn theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TX.Bến Cát, thị xã chỉ có 2 khu vực có thể trở lại trạng thái “bình thường mới” gồm phường Thới Hòa và phường Tân Định. 2 địa phương có nguy cơ rất cao là xã An Tây và phường Mỹ Phước. Phường Hòa Lợi được xếp trong khu vực có nguy cơ cao. Các phường: Chánh Phú Hòa, xã An Điền và Phú An là khu vực có nguy cơ.
Tại huyện Dầu Tiếng, các xã An Lập, Định An, Định Thành, Long Hòa, Minh Hòa, Minh Tân, Minh Thạnh, Thanh An, Thanh Tuyền và thị trấn Dầu Tiếng có thể trở lại “bình thường mới” một phần. Một ấp ở xã Định Hiệp có thể trở lại “bình thường mới”. Riêng xã Long Tân vẫn được địa phương xếp vào khu vực có nguy cơ cao.
Trong khi đó tại huyện Bắc Tân Uyên, các xã: Lạc An, Hiếu Liêm là những “vùng xanh” an toàn có thể trở lại trạng thái “bình thường mới”. Các địa bàn còn lại được địa phương phân loại theo 2 nhóm nguy cơ và nguy cơ cao. Trong đó nhóm nguy cơ, gồm: Xã Tân Mỹ, Tân Định, Tân Lập, Bình Mỹ, Thường Tân. Các xã Tân Bình và Đất Cuốc là 2 địa phương được đưa vào nhóm nguy cơ rất cao.
Hiện nay, các địa phương “vùng xanh” đang tập trung triển khai bao vây, thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu thấp nhất ca tử vong để đưa Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới”.
Cấp giấy chứng nhận “công dân vùng xanh”
Tiến sĩ Dương Chí Nam, Cục phó Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ công tác Bộ Y tế tại Bình Dương cho rằng, bên cạnh việc tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR để tìm F0, sau thời điểm đưa các khu vực “vùng xanh” của tỉnh về trạng thái “bình thường mới”, tỉnh cần áp dụng linh hoạt các quy định cho phù hợp với Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và quy định về giãn cách xã hội theo hình thức nới lỏng dần. Cụ thể, các địa phương trong “vùng xanh” vẫn tiếp tục kiểm soát tốt người ra vào địa bàn, trong đó chú ý các quy định giãn cách; tiếp tục hạn chế việc buôn bán, kinh doanh về số người phục vụ, chỉ phục vụ mua về.
Về vấn đề quản lý hành chính đối với người dân tại các “vùng xanh”, Đại tá Nguyễn Văn Dựt, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ hướng dẫn về quy trình, mẫu giấy chứng nhận “công dân vùng xanh” cho người dân tại các khu vực “vùng xanh” trở lại trạng thái “bình thường mới”. Trong khi đó, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, muốn giữ được những thành quả mà toàn bộ hệ thống chính trị các cấp và người dân trong thời gian qua đã nỗ lực thực hiện, đòi hỏi trong thời gian tới công tác tuyên truyền phải sâu rộng hơn đến với các tầng lớp nhân dân. Chỉ khi người dân thực hiện tốt các quy định liên quan thì thành quả, công sức của cả hệ thống chính trị cũng như của người dân mới được giữ vững.
Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh đã yêu cầu các địa phương tiếp tục bám sát kế hoạch, lộ trình đã xây dựng của tỉnh; thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. UBND các huyện, thị, thành phố chủ động quyết định phong tỏa “vùng đỏ” trên địa bàn quản lý để bảo đảm giữ vững “vùng xanh”; tăng cường hoạt động của các tổ Covid cộng đồng, nắm cụ thể, chi tiết các thông tin có liên quan đến từng người, từng hộ, từng phòng trọ để giám sát kỹ những người di chuyển ra vào khu vực; xây dựng tổ tự quản bảo vệ “vùng xanh” tới từng khu phố, ấp, tổ dân phố, ngõ hẻm...
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các địa phương cần tiếp tục quán triệt tinh thần làm chặt, làm tới đâu chắc tới đó; tăng cường kiểm soát “vùng xanh”, kiểm soát chặt chẽ và khóa chặt “vùng đỏ”. Kể cả “vùng vàng” có “vùng đỏ” cũng cần khóa chặt lại, không cho người “vùng đỏ”, “vùng vàng” đến “vùng xanh” và ngược lại. Riêng việc tổ chức sản xuất phải bảo đảm “nhà trọ xanh, công nhân xanh và nhà máy sạch” thì mới cho phép tổ chức hoạt động sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Lợi cũng nhấn mạnh, trong điều kiện vắc xin chưa đủ để tiêm cho toàn bộ người dân, công nhân lao động thì giải pháp phòng chống là đặc biệt quan trọng để giữ được “vùng xanh”, giữ được các “nhà máy xanh”. Muốn vậy, công tác kiểm soát phải chặt, tăng cường xét nghiệm. Về chính sách xã hội, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương cần khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ cho người dân để phát huy hiệu quả, ý nghĩa thiết thực các chính sách của Trung ương, của tỉnh và giúp đỡ kịp thời người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đội phản ứng nhanh và Tổng đài 1022 cần phải duy trì; phải thường xuyên kiện toàn, bổ sung và nâng cấp để đáp ứng yêu cầu cứu trợ, cứu người.
MINH DUY