Kiến tạo thành phố thông minh: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển
(BDO) Kiến tạo thành phố thông minh (TPTM), Bình Dương đã ứng dựng mô hình “ba nhà” (Nhà trường - Nhà nước-doanh nghiệp). Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển là một trong những nội dung cốt lõi trong việc xây dựng TPTM của Bình Dương.
Giáo dục đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã nêu lên những quan điểm chỉ đạo: “Đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Trong quá trình đổi mới cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới…”; “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, đi đôi với hành; lý luận với thực tiễn…”; “Đổi mới giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục đào tạo”; “Chủ động tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế để phát triển đất nước…”.
Theo các nhà chuyên môn, yếu tố đổi mới sáng tạo trong mô hình của trường đại học đổi mới sáng tạo hiện nay chính là việc các cơ sở giáo dục không chỉ dừng lại ở việc đào tạo truyền thống mà phải theo định hướng khởi nghiệp. Đặc biệt, một trường đại học đổi mới sáng tạo không chỉ giới hạn trong một quốc gia mà với xu hướng hội nhập hiện nay, các trường phải gia tăng mức độ quốc tế hóa.
Trong những năm qua, trường Đại học Quốc tế Miền Đông luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại trường
Hiện nay, Bình Dương đang phấn đấu trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, phát triển và giữ nhân tài khoa học - kỹ thuật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Xây dựng TPTM, Bình Dương đã đề ra Chương trình chiến lược đột phá Bình Dương 2021, tầm nhìn đến 2030 (Bình Dương Navigator 2021). Bình Dương Navigator 2021 đã xây dựng chương trình hành động về hỗ trợ hệ thống giáo dục của các trường trong tỉnh phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đó, để phát triển hơn nữa hệ thống giáo dục của tỉnh, các sinh viên, giáo viên và nghiên cứu sinh cần được hỗ trợ để tiếp cận, làm việc thêm ở nước ngoài trong các môi trường trình độ thế giới. Kinh nghiệm và kiến thức mà họ thu được từ các khóa trao đổi này sau đó có thể được áp dụng vào các đơn vị ở tỉnh. Hoạt động này được triển khai ở tất cả cấp giáo dục trong tỉnh. Để tối đa hóa lợi ích đầu tư, dự án cần tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn liên quan nhiều nhất đến ngành công nghiệp và dịch vụ với hàm lượng tri thức, công nghệ cao sẽ phát triển trong tương lai ở Bình Dương. Bước đầu tiên của hoạt động này giữa thành phố Eindhoven (Hà Lan) và tỉnh Bình Dương là trao đổi sinh viên và nghiên cứu sinh về các chủ đề liên quan đến TPTM…
Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục đại học là vấn đề quan trọng trong lĩnh vực con người thuộc Đề án xây dựng TPTM của Bình Dương. Để tạo ra môi trường cạnh tranh quốc tế trong tương lai mà sáng tạo và nghiên cứu là chìa khóa, các trường đại học ở Bình Dương cần mở rộng ra hoạt động đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với ưu tiên dành cho các lĩnh vực chuyên môn phục vụ phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ hiện nay và các ngành sẽ phát triển trong tương lai của Bình Dương.
Trong khi đó, các nhà chuyên môn cho rằng việc huy động nguồn lực bằng hợp tác quốc tế là một điều kiện quan trọng giúp các trường đại học tìm nguồn tài trợ và chuẩn bị xây dựng các chương trình này. Thực hiện khuyến khích chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, trong đó phối hợp và tìm giải pháp hỗ trợ về mặt chính sách và ngân sách, giúp các trường đại học trên địa bàn tỉnh xây dựng các chương trình được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế như ABET (cho khối ngành kỹ thuật), AACSB (cho khối ngành kinh doanh)…
Việc đạt được các tiêu chuẩn kiểm định giáo dục của ABET hay AACSB không những tạo ra nền tảng cho sự cải thiện chất lượng giáo dục liên tục mà còn giúp các trường đại học tại Bình Dương được xếp vào hàng ngũ các trường đại học chất lượng trên thế giới. Bên cạnh đó, đạt được các tiêu chuẩn nói trên giúp các trường lồng ghép tốt các kỹ năng làm việc thực tế vào trong nội dung giảng dạy của tất cả các cấp giáo dục (FabLab/TechLab). Các FabLab, TechLab, không gian sáng tạo này có thể được sử dụng để phục vụ mục đích giảng dạy, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trong quá trình phát triển công nghệ, đồng thời cũng là điểm gặp gỡ giữa các tài năng của các trường và doanh nghiệp.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương có thể kết nối với chương trình quốc gia gồm 45 trường dạy nghề đang hợp tác với các công ty trong nước. Trong giai đoạn khởi đầu, các trường đại học, cao đẳng có mô hình nước ngoài, có cơ sở vật chất và hạ tầng tốt, có tiềm năng thu hút doanh nghiệp được ưu tiên tham gia.
Năm 2018, một không gian mở ngay trong trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) đã được thành lập nhằm phục vụ cho sinh viên, giảng viên và các doanh nghiệp về công nghệ kết nối với nhau trong lĩnh vực khởi nghiệp và giải quyết những bài toán của TPTM Bình Dương. EIU đã đưa vào hoạt động Vườn ươm doanh nghiệp do Tổng Công ty Becamex IDC tài trợ, hoạt động trong khuôn viên trường. Tại đây, các ý tưởng khởi nghiệp sẽ được miễn phí không gian làm việc trong 6 tháng đầu và chỉ lấy tượng trưng 25% chi phí mặt bằng trong 6 tháng sau để các bạn sinh viên giảm bớt khó khăn, có thể đứng chân và phát triển được. Quan trọng hơn, vườn ươm còn trang bị kiến thức khởi nghiệp, tạo ra môi trường để kích thích sự sáng tạo và đổi mới.
Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp được thành lập tại vườn ươm nói trên, trong đó có cả doanh nghiệp của sinh viên kết hợp với giảng viên, doanh nghiệp của Mỹ. Vườn ươm doanh nghiệp tại EIU tạo điều kiện để giảng viên và sinh viên thực hiện các đề án cụ thể góp phần xây dựng TPTM.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng EIU, cho biết để phát triển khoa Kỹ thuật của trường theo hướng vừa đào tạo vừa làm chức năng vườn ươm công nghệ, nhà trường đã đầu tư tại khoa Kỹ thuật các phòng thí nghiệm chiếu sáng (lighting lab), phòng thí nghiệm FabLab... Các phòng thí nghiệm này giúp sinh viên trong và ngoài trường có thiết bị để thực nghiệm, thực hành, chế tác thử nghiệm chứ không “học chay”. Thậm chí, các doanh nghiệp muốn nghiên cứu cải tiến sản phẩm cũng có thể tới hợp tác, sử dụng các phòng thí nghiệm này của trường.
PHƯƠNG LÊ