Kiến tạo kỳ tích mới
(BDO)
UBND tỉnh khởi công xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh. Ảnh QUỐC CHIẾN
Với tầm nhìn tương lai và những hoạch định chiến lược, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, sau 24 năm xây dựng, phát triển, đến nay Bình Dương đã trở thành một trong những tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Những thành tựu hôm nay đến từ sự nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), tạo cơ sở vững chắc để Bình Dương thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp và là đô thị thông minh của cả nước trong thời gian tới.
Luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao
Ngay từ ngày đầu thành lập, với chủ trương thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng DN đã thể hiện quyết tâm vượt bậc với mong muốn sớm đưa địa phương trở thành tỉnh công nghiệp, văn minh, hiện đại. Hàng ngàn ha đất, chủ yếu là đất cằn canh tác kém năng suất đã được quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư hiện đại. Tỉnh còn tập trung thực hiện công tác cải cách hành chính và sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài”… Từ đó hình ảnh Bình Dương năng động, môi trường đầu tư thông thoáng và không ngừng được cải thiện đã nhanh chóng trở thành sự lựa chọn đầu tiên trong điểm đến đầu tư của các DN, các công ty, tập đoàn đa quốc gia tìm đến.
Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 12.000ha và 12 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 1.000ha. Đến nay, Bình Dương là tỉnh đứng thứ ba cả nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội về thu hút đầu tư nước ngoài với trên 3.900 dự án, với tổng vốn đăng ký là 34,9 tỷ USD. Tổng số DN trong nước đăng ký kinh doanh đạt 45.500 DN, với tổng vốn đăng ký khoảng 400.000 tỷ đồng. Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao 9,35%/năm; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng lên rõ rệt. GRDP đến năm 2020 gấp 1,7 lần năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng, cao hơn mức bình quân của vùng Đông Nam bộ và cao hơn 2,5 lần mức bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng hiện đại, công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng là: 66,53% - 22,78% - 2,51% - 8,18%. Thu ngân sách Nhà nước đạt và vượt cả về số thu và tốc độ tăng, với mức tăng bình quân hàng năm 11,2%. Đến năm 2019, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch đề ra trước 1 năm. Bình Dương được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu và có nhiều thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Trong năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch bệnh Covid-19 nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước và nhiều tỉnh thành trong khu vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN và người dân đã được phục hồi và đang dần đi vào ổn định. Thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu tăng trưởng khá và duy trì thặng dư thương mại gần 6 tỷ đô la Mỹ. Đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vượt gần 32% so với kế hoạch, điều này cho thấy trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch bệnh Covid-19 thì Bình Dương vẫn là địa bàn hấp dẫn và tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài.
Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh thường xuyên quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội ngày càng mở rộng và nâng cao, bảo đảm mọi người dân đều được chăm lo, thụ hưởng đầy đủ và công bằng các thành quả từ phát triển kinh tế. Chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Công tác giảm nghèo đạt thành tựu quan trọng, năm 2017 Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh còn dưới 1%.
Sẵn sàng cho những mục tiêu cao hơn
24 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương hôm nay đã trở thành một đầu tàu trong phát triển KT-XH của cả nước. Công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng đã biến vùng đất bom cày đạn xới trong chiến tranh trở thành địa chỉ tin cậy của nhà đầu tư. Một tỉnh thuần nông giờ đây đang mang hình hài một trung tâm công nghiệp của cả nước. Thành quả đạt được là rất đáng trân trọng và tự hào song Đảng bộ và chính quyền tỉnh không chủ quan, tự mãn mà luôn tìm tòi, trăn trở để kiến tạo thành công, lập nên những kỳ tích mới trong tương lai.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra lộ trình: Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Đó là mục tiêu thể hiện khát vọng vươn lên của Bình Dương để xứng đáng với vị thế của địa phương phát triển năng động nhất của cả nước; là vùng đất nghĩa tình, đáng sống trong tương lai.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh đã có những chủ trương, giải pháp cụ thể, trước mắt là năm 2021 - năm có ý nghĩa quan trọng khởi đầu, đặt nền móng để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung thực hiện mục tiêu vừa phát triển KT-XH ổn định, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; phục hồi tăng trưởng và tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, ổn định tỷ trọng công nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng. Triển khai thực hiện các mục tiêu, chương trình hành động đột phá và các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các công trình trọng điểm, phát triển đô thị - dịch vụ và xây dựng thành phố thông minh. Bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, con người; chú trọng phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế và cải cách thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế...
Với truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo và kế thừa, phát huy những thành tựu phát triển KT-XH đã đạt được, Bình Dương sẽ quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để biến những khát vọng sớm trở thành hiện thực, trở thành đô thị thông minh, giàu đẹp và văn minh, nghĩa tình và đáng sống.
TRÍ DŨNG