Kiến tạo động lực tăng trưởng bền vững- Kỳ cuối:
(BDO) Kỳ cuối: Thu hút vốn, nhân lực chất lượng cao
Với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây được xem là bước đột phá thực sự mang lại thành công cho địa phương. Nhưng để giữ chân “đại bàng” ở lại, thu hút được các “sếu đầu đàn” trong thời gian tới cũng là một áp lực rất lớn, đòi hỏi Bình Dương phải tiếp tục có những cải thiện về thể chế, môi trường kinh doanh, kết cấu hạ tầng và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Không thể phủ nhận vai trò đóng góp to lớn của dòng vốn FDI đã giúp tỉnh có sự phát triển tốt so với các địa phương trong vùng.
Tuy vậy, phải nhìn nhận phần lớn các doanh nghiệp (DN) FDI ở Bình Dương vẫn nặng về gia công, lắp ráp và sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất an ninh năng lượng, an ninh tài chính.
Thêm vào đó, mức đóng góp của các DN FDI trong việc nâng cao năng lực công nghiệp của tỉnh vẫn còn rất thấp.
Các mối liên kết giữa khối DN FDI và DN trong nước còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu và chuẩn mực cung ứng dịch vụ của các DN FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.
Trường Đại học Quốc tế Miền Đông là đơn vị tiên phong trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Ảnh: NGỌC THANH
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, cho rằng vấn đề hội nhập giai đoạn tới đây có nhiều yêu cầu mới theo hướng đồng bộ hơn, công nghệ mới hơn và cạnh tranh hơn.
Đi liền với đó là sự phát triển công nghiệp bán dẫn, Bình Dương cần đưa yêu cầu này vào định hướng phát triển công nghiệp.
Vấn đề nâng cấp hạ tầng và nguồn nhân lực cho giai đoạn tới như thế nào, Bình Dương cần phải chuẩn bị đầy đủ để hấp thụ được dòng vốn mới này.
Bước vào giai đoạn mới, Bình Dương đang triển khai xây dựng Vùng Đổi mới sáng tạo, xây dựng KCN Khoa học Công nghệ, tập trung thu hút những dự án đầu tư xanh, mạnh vốn liếng, giàu trình độ kỹ thuật, chất xám… Có thể coi đây là bước đột phá lần thứ hai để nâng tầm phát triển, bắt nhịp cùng xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới. Để đạt được mục tiêu này, vấn đề nút thắt ở đây là đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các yêu cầu kinh tế, nhất là kinh tế chuyển đổi số hiện nay. (GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương) |
Làm thế nào để Bình Dương thu hút được nhà đầu tư chiến lược? Đây là một thách thức không chỉ với Bình Dương mà còn là thách thức đối với Việt Nam nói chung.
Thời gian tới, Bình Dương cần tiếp tục cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh để thu hút, tạo lập được các chuỗi sản xuất, các chuỗi hàng hóa có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cần có những giải pháp mang tính đột phá để thu hút và nâng cao năng lực của DN tư nhân trong nước.
Từ đó, mới có thể hỗ trợ các DN nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu; đón nhận đơn hàng từ các ngành công nghiệp hỗ trợ, cũng như dòng dịch chuyển đầu tư từ các chuỗi cung ứng toàn cầu về Việt Nam.
Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, sự ra đời của liên doanh KCN Việt Nam - Singapore đã mang đến cho Bình Dương một góc nhìn mới, một mô hình chuẩn mới, dần hình thành khái niệm “phát triển không chỉ có công nghiệp”.
Các KCN sẽ không thể tồn tại một cách bền vững nếu như đan xen với nó không có các khu đô thị cao cấp phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư, các khu nhà ở xã hội phục vụ người lao động có thu nhập thấp và các khu tái định cư phục vụ những người dân trong diện đền bù giải tỏa, ngoài ra còn là hệ thống các dịch vụ tiện ích xã hội như y tế, trường học, dịch vụ xã hội khác…
Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư tại Bình Dương, bao giờ họ cũng đặt ra hai vấn đề về hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao có đáp ứng được hay không, nhất là với những ngành nghề ưu tiên, mà gần đây Bình Dương đang kêu gọi.
Một trong những lợi thế thu hút đầu tư bởi các dự án công nghệ cao thì nhân lực trình độ cao luôn là yếu tố hàng đầu.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH R-PAC Việt Nam
Lý giải về việc chọn Bình Dương để đặt nhà máy sản xuất, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO (Đan Mạch), cho biết Bình Dương có lợi thế nhất định nổi trội hơn so với các tỉnh, thành khác.
Một trong những lợi thế đó là, Bình Dương đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng rất phù hợp cho hoạt động sản xuất công nghệ cao, bao gồm hệ thống hỗ trợ giảm thiểu chất thải cũng như trường học cho con em của các công nhân, nhà ở xã hội.
Hiện Bình Dương có 8 trường đại học, số lượng trường đại học trên địa bàn tỉnh chỉ sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, chất lượng được đánh giá cao. Bình Dương đã xây dựng đề án thành phố thông minh mà mục tiêu được xác định là phấn đấu trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo và phát triển “giữ chân” các nhân tài khoa học kỹ thuật để đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường Đại học Kinh tế quốc dân, mục tiêu này của tỉnh sẽ sớm đạt được, nhất là cơ sở hạ tầng giáo dục tốt của tỉnh, các chương trình đào tạo được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế trong cơ sở đào tạo và nhà trường cộng với môi trường làm việc tốt, năng động. Điều này có thể giúp Bình Dương có được lực lượng lao động tài năng, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, với một hệ sinh thái hoàn thiện, bền vững, cùng những lợi thế là địa phương nằm sát TP.Hồ Chí Minh… sẽ tạo thuận lợi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ TP.Hồ Chí Minh và cả nước đến Bình Dương làm việc.
NGỌC THANH