Kiên quyết loại bỏ, tạm ngừng các dự án chưa cần thiết, kém hiệu quả

Thứ năm, ngày 24/06/2021

(BDO) Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện các dự án, công tác giải ngân. Song song với việc triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2021, Bình Dương sẽ kiên quyết loại bỏ, tạm ngừng các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả.

 

Công trình đường Thủ Biên - Đất Cuốc đang phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm theo kế hoạch đề ra

 Gặp nhiều khó khăn

Năm 2021, tổng vốn kế hoạch đầu tư công hơn 12.356 tỷ đồng. Tính đến ngày 31- 5, tổng giá trị giải ngân hơn 1.629 tỷ đồng, ước đến ngày 30-6 hơn 2.062 tỷ đồng, đạt 16,6% kế hoạch. Tổng vốn ngân sách địa phương hơn 11.904 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-6, ước giá trị giải ngân khoảng hơn 2.062 tỷ đồng, đạt 17,3% kế hoạch. Đối với vốn ngân sách cấp tỉnh, theo kế hoạch đầu tư công năm 2021 là 10.150 tỷ đồng, ước giải ngân đến ngày 30-6 là hơn 2.062 tỷ đồng, đạt 20,3%.

Theo tìm hiểu, do tình hình dịch bệnh Covid-19, các đơn vị đã hạn chế họp triển khai công tác giải phóng mặt bằng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp trong công tác thẩm định, một số dự án bàn giao chậm do thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc có chuyên gia nước ngoài không được nhập cảnh, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung các dự án trong kỳ. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế so với nhu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của tỉnh. Vốn đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách tỉnh, việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách địa phương chỉ thu hút các nhà đầu tư BOT lĩnh vực giao thông.

Mặt khác, một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng đơn giá đền bù điều chỉnh hướng tuyến. Trình tự thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất bồi thường hỗ trợ phức tạp, sự đồng thuận của người dân chưa cao đã ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Ngoài ra, một số dự án vướng các công trình kỹ thuật như hệ thống điện và trạm biến áp, cấp thoát nước phải di dời, nhưng các đơn vị liên quan chưa thống nhất được phương án và kinh phí thực hiện. Việc chuẩn bị hồ sơ đầu tư của một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chưa chú trọng công tác quản lý chất lượng hồ sơ thiết kế, nhiều hồ sơ không đủ thành phần nội dung và chất lượng chưa bảo đảm yêu cầu. Nhiều chủ đầu tư chưa cập nhật đơn giá theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.

Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bên cạnh một số hạn chế, khó khăn do dịch bệnh, một số chủ đầu tư chưa chủ động xây dựng tiến độ thực hiện kế hoạch vốn để làm cơ sở rà soát, nắm chắc tiến độ thực hiện từng dự án. Từ đó xác định nhu cầu sử dụng vốn không sát với tiến độ triển khai thực tế phải đề nghị cắt giảm. Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt điều hành theo kế hoạch được giao gây khó khăn trong quản lý điều hành kế hoạch vốn chung của tỉnh. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ, hiệu quả. Công tác vận động tuyên truyền của địa phương chưa đồng bộ, vai trò trách nhiệm của hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư các công trình dự án chưa được phát huy tốt, năng lực của các trung tâm phát triển quỹ đất còn hạn chế so với yêu cầu.

Xử lý nghiêm khắc

Ông Mai Bá Trước cho biết thêm, để bảo đảm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Bình Dương sẽ nỗ lực vượt qua các khó khăn, tổ chức rà soát toàn bộ các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời kiên quyết loại bỏ, tạm ngừng các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả, các dự án khởi công mới theo tinh thần Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hoàn thiện thủ tục lập thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư, dự toán kinh phí thiết kế của các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng hạ tầng giao thông… để có thể triển khai được ngay sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông qua”.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tiếp tục rà soát bổ sung quy hoạch sử dụng đất, trong đó lưu ý bố trí đủ quỹ đất để đầu tư xây dựng các khu tái định cư, đáp ứng nhu cầu của các hộ dân, phục vụ kịp thời cho công tác giải phóng mặt bằng các công trình dự án đầu tư công trên địa bàn. Thực hiện đăng ký danh mục thu hồi đất phù hợp với tiến độ dự án theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Song song đó, Bình Dương đẩy mạnh các hình thức đầu tư theo hình thức hợp tác các công ty (PPP) và thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa đối với các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn.

Theo ông Mai Bá Trước, thời gian tới tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém. Chấn chỉnh công tác báo cáo về đầu tư công bảo đảm nghiêm túc về thời gian và chính xác về số liệu, nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư trong suốt quá trình chuẩn bị thực hiện quản lý dự án. Xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

 Kế hoạch năm 2021 tỉnh có 61 danh mục công trình quan trọng, trọng điểm được bố trí tổng vốn hơn 5.346 tỷ đồng, chiếm 43,3% kế hoạch vốn của tỉnh. Đến ngày 31-5 đã giải ngân 392,6 tỷ đồng, đạt 7,3% kế hoạch. Dự kiến trong năm sẽ khởi công một số công trình như: Trung tâm Hành chính huyện Bắc Tân Uyên; đường Lê Chí Dân, TP.Thủ Dầu Một; cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2).

 PHƯƠNG LÊ