Kiên quyết không để dịch tay - chân - miệng bùng phát

Thứ hai, ngày 26/09/2011

8 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.958 ca mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM), 9 ca tử vong; riêng tháng 8 là 574 ca, tăng 2 ca so tháng 7 và tăng đến 165 ca so tháng 6. Bệnh TCM đang gia tăng và theo quy luật, bệnh này lại bước vào mùa cao điểm (từ tháng 9 đến tháng 12), trùng với thời điểm đầu năm học mới. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lương Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng về các triệu chứng, cách phòng chống, cách phân biệt với bệnh có triệu chứng tương tự, cách điều trị tại nhà...! Đặc biệt là dinh dưỡng cho bé bệnh TCM, tăng cường sức khỏe cho bé, có biện pháp chủ động phòng tránh bệnh, xử lý, khống chế, không để bệnh trở thành dịch.   Các trường mẫu giáo cho bé tập thể dục, dinh dưỡng tốt và giữ vệ sinh để phòng tránh bệnh TCM

- Những biểu hiện điển hình và không điển hình của bệnh TCM như thế nào, thưa bác sĩ?

- Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các tổn thương ở da và niêm mạc. Sau thời gian ủ bệnh từ 3 - 6 ngày, trẻ mắc bệnh TCM sẽ có các biểu hiện: Sốt (có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39 - 400C), đau họng, chảy nước bọt liên tục, biếng ăn hoặc bỏ ăn, khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường. Trẻ bị loét miệng. Các bóng nước trong miệng, có đường kính 2 -3mm, vỡ rất nhanh, tạo thành các vết loét khiến trẻ bị tăng tiết nước bọt và thấy đau khi ăn, vì thế trẻ sẽ biếng ăn, quấy khóc. Các bóng nước lớn hơn cũng xuất hiện ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, có màu xám, hình bầu dục có thể lồi lên trên da, sờ có cảm giác cộm hay ẩn dưới da, thường ấn không đau. Bóng nước ở vùng mông và gối kèm theo hồng ban. Ngoài ra, bệnh còn có biểu hiện không điển hình như: bóng nước rất ít xen kẽ với những hồng ban. Một số trường hợp chỉ có hồng ban, hoặc chỉ loét miệng đơn thuần.

Chú ý: Có một số trường hợp không điển hình chỉ có loét miệng, sang thương da rất ít, hoặc không rõ dạng bóng nước, mà chỉ là dạng chấm hoặc hồng ban.

- Các triệu chứng khi bệnh trở nặng?

- Đó là các triệu chứng thần kinh: run giật cơ, bứt rứt, lừ đừ, chới với, yếu chi, co giật, hôn mê. Triệu chứng của đường hô hấp và tim mạch: thường xuất hiện khi bệnh trở nặng: mạch nhanh, da nổi bông, tay chân lạnh, thở nhanh hơn bình thường, sùi bọt hồng ở miệng.

- Cách phân biệt với các bệnh khác?

- Các bệnh có triệu chứng tương tự như TCM là dị ứng da, viêm da mủ, thủy đậu. Nhưng cần phân biệt, thường bệnh dị ứng da có sang thương hồng ban đa dạng nhiều hơn bóng nước. Còn viêm da mủ, thì sang thương đau, đỏ, có mủ và không có sang thương trong niêm mạc miệng. Còn thủy đậu: sang thương có nhiều lứa tuổi và rải rác toàn thân, không tập trung đặc biệt ở một vùng nào.

- Biện pháp điều trị tại nhà ra sao, thưa bác sĩ?

- Nguyên tắc điều trị TCM là điều trị triệu chứng. Người nhà cần theo dõi sát, phát hiện sớm các triệu chứng của biến chứng để cho trẻ nhập viện kịp thời. Chỉ điều trị tại nhà những trẻ bị bệnh TCM độ I. Hạ sốt, giảm đau: dùng paracetamol 10 - 15mg/kg cân nặng/mỗi 4 - 6 giờ, chỉ sử dụng khi trẻ sốt từ 38oC trở lên. Vệ sinh răng miệng bằng cách cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng. Cho bé nghỉ ngơi. Sử dụng thêm các vitamine C, vitamine PP, vitamine A và kèm theo toa bác sĩ để hỗ trợ cho da, niêm mạc mau lành. Và dùng kháng sinh theo toa bác sĩ khi có bội nhiễm. Tái khám mỗi 1 - 2 ngày trong 7 ngày đầu của bệnh. Theo dõi các dấu hiệu nặng: sốt cao trên 39oC, hoặc giật mình liên tục, run chi, chới với, quấy khóc, bứt rứt, co giật thì người nhà cần đưa bé vào bệnh viện ngay.

- Do bị loét miệng, bé khó ăn, nên các phụ huynh rất quan tâm đến dinh dưỡng cho bé khi mắc bệnh TCM?

- Trẻ bị bệnh TCM thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn, mát lạnh, nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, thức uống đi ngang qua vết loét. Như vậy, những thực phẩm có thể dùng cho trẻ là: bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, bánh flan, tàu hủ đường...

Nếu trẻ ăn kém, nên cho trẻ ăn nhiều lần hơn lúc bình thường để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra. Cần chú ý muỗng (thìa) dùng để đút cho trẻ nên tránh những loại có cạnh sắc bén, để không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm bé đau, không ăn.

Khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4 - 5 ngày) nên cho bé ăn trở lại bình thường, không kiêng khem.

- Biện pháp phòng ngừa hiệu quả?

- Bệnh TCM do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, gặp nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao từ tháng 2 - 4 và từ tháng 9 - 12 trong năm. Bệnh lây nhanh từ trẻ này sang trẻ khác từ các chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt lúc trẻ bệnh ho, hắt hơi.

Biện pháp phòng tránh TCM chủ động nhất, hiệu quả nhất vẫn là rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu, sau khi mặc, thay tã, hoặc sau khi tiếp xúc với những vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bệnh. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, để phòng TCM và cả các bệnh truyền nhiễm khác. Cách ly trẻ bệnh để tránh tình trạng bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.

- Xin cảm ơn bác sĩ?

BẢO ANH (thực hiện)