Kiến nghị làm rõ quy định về quỹ đất cho chăn nuôi trong Luật Đất đai
(BDO)
Chăn nuôi lợn.
Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Bộ Tài Nguyên và Môi trường về vấn đề quỹ đất và đánh giá tác động môi trường trong chăn nuôi.
Không có quỹ đất rõ ràng cho chăn nuôi
Theo ba hiệp hội chăn nuôi, hiện nay sản xuất chăn nuôi trong nước đang xuất hiện rất nhiều bất cập và ngày càng khó khăn. Một trong những nguyên nhân có tác động trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi, đó là không gian chăn nuôi của Việt Nam ngày càng thu hẹp và điều kiện chăn nuôi ngày càng khắt khe. Hiện nay, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đang chiếm khoảng 24% trong toàn bộ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nhưng lại không có quỹ đất rõ ràng cho chăn nuôi.
Ba hiệp hội chăn nuôi đề xuất cần đưa vào phần giải thích từ ngữ của Luật Đất đai sửa đổi khái niệm làm rõ đất cho chăn nuôi tập trung để các địa phương áp dụng trong quy hoạch vì chăn nuôi tập trung có tính đặc thù cao: “Là đất nông nghiệp, có thể xây dựng được chuồng trại lâu dài, đảm bảo yêu cầu vệ sinh phòng bệnh cho con người, vật nuôi và môi trường sinh thái...”
Bên cạnh đó, sản xuất chăn nuôi rất rủi ro, suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Trang trại chăn nuôi là cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện, phải đảm bảo các yêu cầu kiểm soát dịch bệnh và môi trường, có khoảng cách tối thiểu với khu dân cư, công trình công cộng...
Ba hiệp hội nhấn mạnh rằng nếu không có quy định rõ trong luật thì hôm nay chính quyền cấp cho trang trại, ít lâu sau lại cấp cho dân đến ở xung quanh hoặc xây dựng công trình công cộng khác và cơ sở chăn nuôi lại bỗng dưng trở thành vi phạm các điều kiện, phải di dời thì không bao giờ ngành chăn nuôi phát triển bền vững và người chăn nuôi thì lúc nào cũng nơm nớp, không dám đầu tư...
Trong kiến nghị gửi Bộ Tài Nguyên và Môi trường, ba hiệp hội khẳng định cần có những quy định cụ thể hạng mục đất dành cho chăn nuôi tập trung trong Luật đất đai sửa đổi. Nếu không có quy định rõ ràng, thì trong thực tế các địa phương và ngành chăn nuôi sẽ không thể xử lý được những bất cập về đất đai, mặt bằng cho nhu cầu xây dựng chuồng trại, mở rộng sản xuất và hoàn thành việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực cấm chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và Luật Môi trường...
Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg về Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, quỹ đất cho nhu cầu di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi (bao gồm: Khu dân cư, nội thành, nội thị, khu công cộng, du lịch... theo quy định của Luật Chăn nuôi) có hạn cuối cùng phải thực thi ngày 1/1/2025 là rất lớn. Đây đang được xem là “cuộc đại di dời" đòi hỏi cần có những quy định cụ thể cho quỹ đất chăn nuôi.
Hỗ trợ kiểm soát tác động môi trường
Bên cạnh vấn đề về quỹ đất chăn nuôi, ba hiệp hội cũng đề xuất vấn đề đánh giá tác động môi trường đối với cơ sở chăn nuôi bởi đây là việc làm rất cần thiết, nhằm hạn chế tác động của hoạt động chăn nuôi đến môi trường, nhất là Việt Nam đã cam kết đưa phát thải dòng về 0 vào năm 2050, trong đó chăn nuôi là một trong những lĩnh vực gây tác động đáng kể đến vấn đề này nên không thể không kiểm soát.
Ba hiệp hội đề nghị rà soát lại các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi để thực sự phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn Việt Nam. Nếu quy định quá cao và người chăn nuôi không thể làm hoặc làm quá tốn kém sẽ dẫn đến đối phó và làm cho công tác kiểm soát môi trường trở nên phức tạp và phát sinh các tiêu cực.
Bên cạnh đó, ba hiệp hội cho rằng việc đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi do cơ quan cấp bộ đánh giá hiện nay đang gây khó khăn cho cả cơ quan đánh giá và người chăn nuôi vì số lượng các cơ sở chăn nuôi trên toàn quốc là rất lớn. Do đó, bộ nên phân cấp việc này về cho các cơ quan chức năng quản lý môi trường ở địa phương.
So với các ngành kinh tế khác trong hội nhập, ba hiệp hội cho rằng ngành chăn nuôi là ngành chịu nhiều tác động rủi ro hơn và việc xử lý môi trường cũng tốn kém hơn, do vậy Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đặc thù về vấn đề kiểm soát môi trường cho lĩnh vực chăn nuôi, giúp người chăn nuôi giảm thiểu khó khăn để đầu tư khôi phục, phát triển sản xuất./.
Theo TTXVN