Kiên định mục tiêu xây dựng thành phố thông minh

Thứ năm, ngày 14/04/2022

(BDO) Kỳ 1: Kiến tạo tương lai bền vững

Năm 2021, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã vinh danh Vùng thông minh Bình Dương là 1 trong top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) tiêu biểu trên thế giới. Đây là lần đầu tiên Vùng thông minh Bình Dương lọt vào top 7, sau 3 lần liên tiếp nằm trong top 21 (Smart 21).

Vươn tầm thế giới

Từ năm 2016, Bình Dương quyết tâm triển khai Đề án TPTM, bám sát cách tiếp cận và bộ tiêu chí của ICF với sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó tiêu biểu nhất là Tổng Công ty Becamex IDC. Bình Dương quy hoạch một khu vực gọi là Vùng thông minh Bình Dương bao gồm một phần phía Nam của tỉnh, được chọn lựa dựa trên các tiêu chí quốc tế, là nơi đang tập hợp những đô thị, khu vực nghiên cứu giáo dục và công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Tháng 10-2018, Vùng thông minh Bình Dương là địa phương đầu tiên ở Việt Nam đạt được Smart 21 và chính thức trở thành thành viên của ICF. Đó là bước khởi đầu quan trọng, cho thấy Bình Dương đang dần hình thành một nền tảng ban đầu để tạo bứt phá mới. Năm 2019 và 2020, Bình Dương tiếp tục đà phát triển, liên tục triển khai các chương trình mới cho TPTM, không ngừng đột phá kinh tế - xã hội. Tháng 10-2019, Bình Dương lần thứ hai liên tiếp được vinh danh là một trong các đô thị có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới (Smart 21). Tháng 2-20221, Bình Dương, đại diện duy nhất của Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp được lọt vào danh sách Smart 21, khẳng định hướng phát triển TPTM đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Thành phố mới Bình Dương được chọn là Vùng thông minh Bình Dương. Năm 2021, Vùng thông minh Bình Dương lọt vào top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu trên thế giới

Sau 3 lần liên tiếp nằm trong top 21 (Smart 21), tháng 7-2021 lần đầu tiên Vùng thông minh Bình Dương lọt vào top 7 có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu trên thế giới. Một khu vực lọt vào top 7, trước hết cần thỏa mãn 6 tiêu chí khắt khe đã được kiểm tra tại vòng top 21, gồm: Nền tảng kết nối băng thông rộng, nguồn nhân lực tri thức, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, bình đẳng công nghệ số và cam kết đồng lòng của cả cộng đồng.

Đối với Bình Dương, sự kiên định của 25 năm phát triển với chiến lược Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành trên cơ sở thấu hiểu nội tại và định hướng tương lai vì sự hạnh phúc của cộng đồng, được ICF và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Cụ thể, tỉnh đã đáp ứng các chiến lược phát triển của các địa phương, nhìn nhận vào tính kế thừa, sự sâu sắc và tính kiên định của chiến lược nhằm tạo ra những giá trị phục vụ cho sự phồn vinh, hạnh phúc của cộng đồng. Đáng chú ý là việc triển khai đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương mà tỉnh chọn làm mục tiêu, định hướng nâng cao chất lượng phát triển trong thời gian tới.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành TPTM Bình Dương, cho biết: “Việc Vùng thông minh Bình Dương gia nhập ICF và 4 năm liên tiếp được bình chọn Smart 21, có ý nghĩa rất lớn để tiếp tục đột phá phát triển kinh tế - xã hội, trong đó khẳng định hướng phát triển TPTM của tỉnh là hiệu quả, phù hợp với xu thế chung toàn cầu. Kết quả đó nâng tầm Bình Dương lên một vị thế mới trên trường quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác với mạng lưới hơn 180 TPTM thịnh vượng khắp thế giới của ICF, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, bứt phá thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút lao động tri thức, là nền tảng cho phát triển dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong tương lai”.

Tạo bước đột phá

Những kết quả Bình Dương đạt được trong tiến trình xây dựng TPTM thời gian qua chính là nền tảng tạo bước đột phá để tỉnh nhà vươn mình mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương luôn tiên phong trong quản trị địa phương so với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương đã ký kết thỏa thuận hợp tác hữu nghị với nhiều đối tác ở các quốc gia phát triển, xây dựng TPTM, trở thành thành viên của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới. Đặc biệt, 4 lần liên tiếp được ICF vinh danh khẳng định sự đúng đắn trong việc lựa chọn và xây dựng mô hình phát triển của Bình Dương. Đây cũng chính là những điểm sáng, là động lực để Bình Dương tạo bước đột phá trong giai đoạn mới.

Lãnh đạo tỉnh chứng kiến Lễ ký kết trực tuyến về hợp tác phát triển thành phố thông minh và vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương giữa Tổng Công ty Becamex IDC và The Connected Places Catapult (Vương quốc Anh). Ảnh: PHƯƠNG AN

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Điều hành De Heus châu Á, Phó Chủ tịch Hiệp hội châu Âu tại Việt Nam, đánh giá Bình Dương là địa phương luôn luôn đi trước phát triển khoa học công nghệ, hạ tầng. Bình Dương phát triển TPTM cùng với tăng trưởng xanh là hướng phát triển đúng. Công ty chúng tôi luôn ủng hộ Bình Dương cũng như ủng hộ Becamex IDC đã áp dụng công nghệ mới, năng lượng mặt trời. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để công ty cùng hợp tác và phát triển tại Bình Dương. (Còn tiếp)

- Ông Daniel Coenraad Stork, Tổng Lãnh sự Hà Lan tại TP.Hồ Chí Minh: Với chiến lược thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, Bình Dương là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Trong những năm qua đã có rất nhiều doanh nghiệp Hà Lan chọn Bình Dương để đầu tư, đó là minh chứng rõ ràng cho thấy tác động của chiến lược phát triển. Tôi nghĩ chiến lược phát triển TPTM của Bình Dương trong thời gian qua đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Với sự đẫn dắt của chính quyền địa phương trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau, chiến lược này đã thực sự giúp cho tỉnh phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, góp phần đưa Bình Dương trở thành một trong những điểm đến phát triển kinh tế tốt nhất, bền vững nhất.
- Ông Đỗ Công Anh, Phó cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa Bộ Thông tin và Truyền thông: Bình Dương là một trong số những tỉnh đi đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Bình Dương xác định đến giai đoạn hiện tại cần phải tìm ra một mô hình phát triển mới, có được chiến lược thiên nhiều về thu hút đầu tư khoa học, công nghệ cao liên quan đến nền kinh tế tri thức là chính. Tỉnh đã phối hợp với thành phố Eindhoven của Hà Lan để xây dựng được chiến lược, có được những đặc thù của địa phương và sau đó mọi giải pháp đều xoay quanh chiến lược này. Tôi thấy Bình Dương là địa phương phát triển có chiến lược, có bài toán rõ ràng nhất, bài toán kết hợp giữa 3 nhà, đó là Nhà nước, nhà doanh nghiệp và các viện/ trường.
- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Logic phát triển xưa nay của Bình Dương là “tiến vượt”. Từ việc tiên phong phát triển các khu công nghiệp “đời mới” với VSIP dẫn đầu cho đến xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương hiện đại. Hiện nay là xây dựng TPTM, phát triển Khu Công nghiệp Khoa học - Công nghệ, tất cả đều là những bước đi theo cách thay đổi đẳng cấp phát triển chứ không phải theo logic “tuyến tính”, từng bước tuần tự. Thực sự tôi nghĩ Bình Dương đã lựa chọn được cách đi khôn ngoan của “kẻ đi sau”, biết tận dụng lợi thế “đi sau để vượt trước”. Bình Dương xây dựng TPTM và 4 lần liên tiếp được ICF vinh danh, xác nhận cách tiếp cận, tầm nhìn của Bình Dương không thể như các địa phương khác. Trong phát triển hệ sinh thái, Bình Dương phát triển công nghiệp định hình TPTM là xu hướng được coi là mục tiêu. Thời gian tới, hệ sinh thái của tỉnh sẽ phát triển là hệ vùng thông minh và sáng tạo, phát triển trên nền tảng công nghệ số. Bình Dương sẽ vượt lên là một đô thị thông minh sáng tạo, vùng đất thông minh sáng tạo; nguồn lực chủ yếu chính là nguồn lực sáng tạo trí tuệ; không gian được bảo đảm chính là yếu tố cấu trúc số 1 và phát triển trong một xã hội công khai minh bạch, cạnh tranh trên toàn cầu.

PHƯƠNG LÊ