Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế

Thứ tư, ngày 19/02/2020

(BDO) Thống kê sơ bộ mới nhất cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 1-2020 chỉ đạt 36,92 tỷ USD, giảm 17,7% so với tháng 12-2019 và giảm 15,6% so với tháng 1-2019. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu rơi vào tình trạng ảm đạm phải kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cả nước vào cuộc “giải cứu”. Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng do đứt nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc. Thị trường du lịch gần như “đóng băng” và ước tính thiệt hại xấp xỉ 7 tỷ USD chỉ trong 3 tháng… Tất cả những điều đó đều do tác động của dịch bệnh gây ra.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1 nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ là vừa thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra, vừa tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thể hiện quyết tâm chính trị, khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, nhạy bén hơn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tập trung cao độ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, không để công việc trì trệ…

Mới đây, tại phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định đẩy lùi được dịch bệnh thì mới thành công một nửa. Yêu cầu lớn hơn của Chính phủ là phải giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống nhân dân và nền kinh tế, kiên quyết giữ vững và phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã đề ra. Để thực hiện được điều này, Chính phủ sẽ có giải pháp điều hành để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh tốt cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, môi trường sống tốt cho nhân dân. Hiện Chính phủ cũng đang cân nhắc việc giảm thuế cho một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trước đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có chính sách giãn, giảm lãi suất đối với các thành phần kinh tế và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tác động của dịch bệnh đối với các lĩnh vực kinh tế là điều khó tránh. Từ những con số nêu trên cho thấy dịch bệnh đang tác động ngày càng mạnh mẽ lên từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự hỗ trợ từ chính sách vĩ mô của Chính phủ, sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang tự thân phấn đấu để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Điều đáng quý là trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội ngành hàng không chỉ tự thân phấn đấu vượt qua, mà còn sẵn sàng liên kết giúp nhau cùng vượt qua khó khăn và hình ảnh doanh nghiệp vào cuộc “giải cứu” nông sản là một điển hình dễ nhận thấy.

Với những giải pháp đồng bộ từ chính sách vĩ mô của Chính phủ, sự điều hành năng động, nhạy bén, sáng tạo của chính quyền địa phương và quyết tâm vượt qua khó khăn của doanh nghiệp, bức tranh kinh tế chắc chắn sẽ sáng hơn trong thời gian tới.

 LÊ QUANG