Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép
(BDO) Để nguồn tài nguyên cát không bị khai thác trái phép, thời gian qua, các cơ quan chức năng huyện Dầu Tiếng đã thực hiện đồng bộ các biện pháp như tăng cường kiểm tra, xử lý; vận động người dân tích cực tham tố giác tình trạng “cát tặc”…
Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng công an phát hiện, xử lý một vụ “trộm cát” trên sông Sài Gòn, đoạn qua xã Thanh An
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Ông Cao Trọng Sỹ, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Dầu Tiếng, cho biết lợi dụng những đoạn sông, suối có cát nhưng vắng người qua lại, thời gian qua một số đối tượng lén “trộm” cát vào ban đêm. Khi phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra, “đầu nậu” bỏ trốn khỏi hiện trường, chỉ còn lại phương tiện khai thác cát và người làm thuê. Việc này đã gây khó khăn cho công tác quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, cũng như xử lý dứt điểm nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện.
Trước tình trạng trên, các đơn vị chức năng liên quan của huyện Dầu Tiếng đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, xử lý trường hợp khai thác cát trái phép trên địa bàn. Cụ thể, Phòng TN&MT đã tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác này. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Gần đây, UBND tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để phối hợp làm việc với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, vận chuyển cát trong khu vực lòng hồ thủy lợi Dầu Tiếng. Tính đến giữa tháng 9, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 8 doanh nghiệp được đơn vị chức năng cấp phép hoạt động khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng.
Phát hiện nhiều điểm khai thác “cát lậu”
Theo số liệu của Phòng TN&MT huyện Dầu Tiếng, các vụ khai thác cát trái phép thường xảy ra khi đêm xuống, đối tượng sử dụng dụng cụ thô sơ đến các đoạn sông, suối để “trộm” cát. Việc này gây sạt lở hai bên bờ sông, suối, thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản.
Để kịp thời ngăn chặn, xử lý trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng huyện Dầu Tiếng phối hợp với Công an (CA) tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuần tra công khai, mật phục và đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. Đơn cử, vào tối ngày 31- 8, qua công tác nắm tình hình và kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông CA tỉnh, phát hiện trên sông Sài Gòn, đoạn qua khu vực ấp Bến Tranh, xã Thanh An, có 3 người dùng ghe bơm hút cát trái phép. Phát hiện lực lượng kiểm tra, các đối tượng nhảy xuống sông bỏ trốn, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy đã tiến hành giữ một ghe gỗ, trên ghe có khoảng 3m3 cát và có động cơ dùng bơm hút cát.
Trước đó vào tối 30-3, Tổ 171 CA huyện Dầu Tiếng tổ chức tuần tra trên địa bàn ấp Kiến An, xã An Lập và phát hiện tại thửa đất do ông T.H.H. làm chủ, xuất hiện tình trạng người dân khai thác cát trái phép. Lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện một người đàn ông tên Hồng (chưa rõ lai lịch) tổ chức khai thác cát trái phép; thấy lực lượng chức năng, đối tượng nhanh chân bỏ chạy. Tại hiện trường chỉ có ông T.V.P. (quê An Giang) được chủ đầu nậu thuê khai thác cát trái phép. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 118m3 cát và nhiều vật dụng liên quan.
Tương tự, cũng tại đoạn sông Thị Tính, qua ấp Kiến An, lúc 21 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng bất ngờ đột kích một điểm khai thác cát lậu do một người tên Tâm (chưa rõ lai lịch) đứng ra tổ chức khai thác. Phát hiện lực lượng, ông Tâm bỏ trốn, lúc này chỉ còn lại hai người làm thuê. Theo lời khai của hai đương sự, mỗi đêm phụ ông Tâm khai thác cát, họ được trả công 300.000 đồng/người.
Ông Cao Trọng Sỹ, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Dầu Tiếng, cho biết để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép, thời gian qua lãnh đạo huyện thường xuyên chỉ đạo đơn vị chức năng yêu cầu các đơn vị kinh doanh, khai thác cát lắp đặt camera giám sát an ninh tại các bến bãi. Song song đó là tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng mua, bán khoáng sản trên địa bàn; tiếp tục tổ chức ra quân thực hiện việc xóa bỏ các bến bãi tập kết khoáng sản trái phép; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực theo quy định; nghiêm cấm việc lợi dụng nạo vét, khơi thông dòng chảy, việc san gạt, cải tạo mặt bằng, cải tạo đất nông nghiệp, đào ao để khai thác khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường, gây sạt lở bờ sông, suối, hủy hoại đất.
Vận động người dân báo tin “cát tặc” Qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh phối hợp với CA huyện Dầu Tiếng đã bắt quả tang một trường hợp bơm hút cát trái phép tại suối Tà Mòn, thuộc xã Minh Hòa. Ông Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết suối Tà Mòn có vị trí giáp ranh với tỉnh Bình Phước. Tại khu vực này có trữ lượng cát lớn lại nằm xa khu vực dân cư. Để kịp thời ngăn chặn nạn khai thác cát lậu, chính quyền xã Minh Hòa phối hợp với lực lượng chức năng huyện Dầu Tiếng thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, trong đó vận động người dân báo tin khi phát hiện “cát tặc”. Song song đó, chính quyền xã Minh Hòa thường xuyên chỉ đạo ban điều hành ấp nắm tình hình, nếu phát hiện đối tượng lén lút khai thác cát trái phép trên suối Tà Mòn thì thông tin cho chính quyền xã xử lý. Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hương, từ đầu năm đến nay, CA xã Minh Hòa phối hợp với CA huyện Dầu Tiếng bắt quả tang nhiều vụ khai thác cát trái phép tại khu vực này. Dụng cụ thô sơ được dùng vào việc khai thác cát trái phép tại suối Tà Mòn |
THANH QUANG - TÚ BÌNH