Kiếm tiền tỷ từ học nghề lao động nông thôn

Thứ hai, ngày 28/09/2020

(BDO) Tuy giờ đây đã có nhà cửa khang trang, mua đất nền tiền tỷ, công việc ổn định nhưng anh Lê Chiến Công vẫn không thích ai đó gọi mình là người thành đạt. Anh cho rằng nếu không có lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Dầu Tiếng thì tương lai của anh chưa biết sẽ về đâu.

 Anh Lê Chiến Công quán xuyến bếp ăn tại quán T.L.

 Đã 14 giờ nhưng quán ăn gia đình T.L. tại ấp Thị Tính, xã Long Hòa vẫn còn tấp nập khách ra vào. Bên trong gian bếp của quán, bếp trưởng Lê Chiến Công vẫn đang tất bật với công việc nấu, nướng phục vụ thực đơn cho khách. Mồ hôi nhễ nhại, anh Công nở nụ cười hiền và nói lời xin lỗi khi phải tiếp chúng tôi ngay tại nhà bếp, vì không có thời gian. Chỉ 15 phút vừa làm vừa trò chuyện, nhưng anh Công đã hoàn tất nhiều món ăn ngon cùng lúc trước sự chứng kiến của P.V như cá chiên, gỏi bò, chả chiên... Có thể nói, hơn 10 năm trong nghề, giờ đây đôi tay của người học việc ngày nào đã trở thành một nghệ nhân chế biến thực phẩm.

13 năm trước, cũng đôi bàn tay ấy, anh Công nhọc nhằn với việc bưng bê, cưa xẻ khi làm trong một nhà máy gỗ trên địa bàn, đồng lương ít ỏi. Mỗi ngày anh cũng vào bếp nấu ăn, nhưng chủ yếu phụ vợ các việc lặt vặt như luộc rau, kho cá. Nhờ có chút đam mê nấu ăn, năm 2013, khi huyện Dầu Tiếng thông tin mở lớp đào tạo nghề nấu ăn và được thông báo về xã, anh Công là người đầu tiên trong xã đăng ký ngay. “Lúc ấy nhiều người bảo con trai mà đi học nấu ăn, ngay cả bà xã tôi cũng bán tín bán nghi”, anh Công Nói.

Ngày tốt nghiệp sau khóa học vài tháng, anh được cán bộ huyện giới thiệu phục vụ nấu ăn ở một vài địa phương. Nhưng sau đó, anh quay về quán T.L. để gần vợ con. Từmột quán ăn ít tên tuổi, ngày có anh Công đến và chế biến ra nhiều món mới lạ, quán được nhiều người biết đến. Lương tháng của anh tăng dần theo doanh thu. Bên cạnh đó, chủ quán tin tưởng vào tay nghề của người bếp trưởng đã mạnh dạn mở ra dịch vụ phục vụ tiệc cưới, hỏi, hội nghị… Tiếng lành đồn xa, giờ đây, dịch vụ nấu ăn T.L. đã được người dân trong và ngoài huyện biết đến.

Không chỉ là bếp trưởng, với bản tính thật thà, có trách nhiệm trong kinh doanh, anh Công còn được chủ quán giao luôn cả việc mua, nhập các loại thực phẩm mỗi ngày. Giờ đây, việc kinh doanh tại quán T.L. với anh Công không phải là người làm thuê mà như một người chủ đích thực. Có tiền, anh Công đã xây căn nhà trang trang gần 200m2. Cách đây 3 năm, anh còn mua thêm lô đất nền tiền tỷ.

Có nghề nấu ăn, có kinh nghiệm trong quản lý, anh Công đã chỉ dạy cho nhiều người là lao động nông thôn khi đến quán phục vụ. Anh tâm sự: “Không nên xem thường chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đó là con đường khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm cho người nghèo mà bản thân tôi là một điển hình. Nghề nào cũng vậy, khi được đào tạo cơ bản bước đầu, mình sẽ tiếp tục nâng cao nó trong quá trình làm việc, rồi sẽ có một mức thu nhập tương xứng. Nếu huyện Dầu Tiếng có mở lớp dạy nghề, mời tôi tham gia dạy, tôi sẽ không từ chối”.

 QUANG TÁM