Kiểm soát ô nhiễm công nghiệp: Đi từ giải pháp
Tăng trưởng kinh tế do công nghiệp mang lại ở Bình Dương là thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường do phát triển công nghiệp, dân sinh gây ra và đang phải đối mặt là điều cần phải tính. Vì thế, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng mà Bình Dương đã và đang dốc sức làm bằng các giải pháp thiết thực, nhằm bảo đảm tiến trình phát triển bền vững…
(BDO)
Cần công khai “danh sách đen” các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Một doanh nghiệp xả khói gây ô nhiễm môi trường ở khu dân cư
Từ phòng ngừa để giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp
Ngoài việc hoàn thiện thể chế, huy động hệ thống chính trị và toàn dân tham gia, Bình Dương đã xây dựng cơ sở dữ liệu về các nguồn ô nhiễm công nghiệp. Từ tháng 9-2011, Bình Dương đã triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu về các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn và đến nay, đã cập nhật được 3.542 cơ sở vào phần mềm cơ sở dữ liệu, trong đó có 2.057 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh đã được cập nhật hoàn chỉnh. Song song đó, ngành tài nguyên và môi trường còn tổ chức thanh, kiểm tra 3.219 đơn vị sản xuất, kinh doanh và xử phạt vi phạm hành chính 2.174 đơn vị, với số tiền 33,819 tỷ đồng. Riêng Đội kiểm tra liên ngành từ khi thành lập đến nay, đã kiểm tra 140 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính 100 cơ sở với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.
Quan trắc và giám sát các nguồn ô nhiễm cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Thời gian qua, thông qua công tác tiếp nhận và trả lời báo cáo giám sát môi trường định kỳ của doanh nghiệp, quan trắc tuân thủ, quan trắc tự động, ngành đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm, như xây dựng không đúng, chuyển giao chất thải không đúng, qua đó kịp thời xử lý để khắc phục tồn tại về môi trường. Đối với việc giám sát các nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, từ 2007 đến nay, Bình Dương cũng đã triển khai chương trình quan trắc tuân thủ với tần suất 2 lần/năm đối với 60 nguồn thải có lưu lượng lớn ở các khu công nghiệp, các nhà máy giấy, chế biến cao su, dệt nhuộm… Nhờ vậy, Bình Dương đã kịp thời ngăn chặn các hành vi không xử lý nước thải, xả thẳng nước thải ra môi trường của các doanh nghiệp.
Thấy được lợi ích của quan trắc và giám sát môi trường, dự kiến thời gian tới đây, Bình Dương sẽ tiếp tục lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động cho 55 nguồn thải có lưu lượng lớn bằng nguồn vốn của doanh nghiệp theo pháp luật quy định, nâng lượng nước xả thải được giám sát trên địa bàn lên 60%.
Đến quản lý chất thải nguy hại
Con số thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết toàn tỉnh phát sinh khoảng 10.750 tấn chất thải công nghiệp, trong đó có 310 tấn chất thải nguy hại. Quản lý chặt chẽ vấn đề này, ngành chức năng đã tiến hành cấp 2.700 sổ đăng ký chủ nguồn thải; đồng thời, triển khai xây dựng phần mềm quản lý chất thải nguy hại trực tuyến nhằm giúp doanh nghiệp có thể đăng ký cấp sổ, lập chứng từ và báo cáo trực tuyến ở cấp độ 3. Tuy nhiên, sau khi được cấp chữ ký số, ngành sẽ tiến hành nâng cấp phần mềm để có thể cung cấp dịch vụ công mức độ 4.
Mặc dù không có cơ sở nào nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tuy vậy thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động xác lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và trình UBND tỉnh ban hành quyết định để tập trung kiểm tra, xử lý nhằm khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường của tỉnh. Từ năm 2008 đến nay, 256 cơ sở đã được đưa vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Qua kiểm tra và xử lý liên tục, đến nay chỉ còn 15 cơ sở chưa hoàn thành khắc phục ô nhiễm chiếm 5,8%, các cơ sở chưa hoàn thành khắc phục ô nhiễm triệt để chủ yếu là các trang trại chăn nuôi và cơ sở chế biến mủ cao su, dự kiến sẽ xử lý triệt để trong năm 2014.
Còn nhiều, rất nhiều các giải pháp thiết thực, hữu ích để góp phần giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp, như tổ chức di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị; giải quyết các vấn đề bức xúc và điểm nóng về môi trường; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường… nhưng theo đánh giá, công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường còn hạn chế. Dù vậy, Bình Dương sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, liên tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng bộ, chắc chắn công tác kiểm soát ô nhiễm công nghiệp ở Bình Dương sẽ ngày càng mang lại hiệu quả, để góp chung vào tiến trình phát triển bền vững của tỉnh nhà.
CHI CỤC BVMT