Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện - không đơn giản!
Nhân viên y tế BVĐK tỉnh đang vận chuyển đồ đạc đã được tiệt trùng
Thống kê của Bộ Y tế, hiện trên cả nước tỷ lệ nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đang ở mức cao. Nhằm mang lại bầu không khí trong lành cho người bệnh, nhân viên y tế và giảm thiểu các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 18 hướng dẫn các cơ sở KCB thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK).Theo hướng dẫn của thông tư thì các cơ sở KCB có từ 150 giường bệnh hoặc bệnh viện từ hạng II trở lên phải thành lập khoa KSNK, dưới 150 giường bệnh thì phải thành lập tổ, đối với những phòng khám đa khoa, các trạm y tế cũng phải có nhân viên phụ trách công tác này. Thực tế qua khảo sát, cả nước chỉ mới có 42,6% bệnh viện có khoa KSNK; ngay cả những bệnh viện thuộc tuyến quận, huyện nhiều nơi vẫn chưa chú trọng đến việc thành lập khoa hoặc tổ KSNK. Nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ làm tăng tỷ lệ tử vong cho người bệnh, kéo dài thời gian điều trị, tiêu tốn kinh phí mà còn làm tăng nguy cơ phơi nhiễm cao cho người bệnh và cả nhân viên y tế. Các bệnh về nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp là nhiễm khuẩn hô hấp, vết mổ, tiết niệu, máu... trong đó nhiễm khuẩn máu đối với nhân viên y tế luôn ở mức cao. Nguyên nhân lây khuẩn xuất phát từ những dụng cụ y tế chưa khử khuẩn, tiêm không an toàn, từ rác thải y tế, thực phẩm trong bệnh viện... Hàng năm, tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện chiếm từ 7 - 10%, chủ yếu tập trung ở các đơn vị chăm sóc và điều trị. Do việc thành lập khoa hoặc tổ KSNK không mang lại lợi nhuận, đòi hỏi tiêu tốn nguồn kinh phí lớn nên nhiều cơ sở KCB không “mặn mà” với công tác này.
Tại các cơ sở KCB ở Bình Dương, thông tư trên ra đời được các đơn vị hưởng ứng nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, nhiều nơi thực hiện chiếu lệ. Xung quanh các vấn đề liên quan đến kỹ thuật KSNK, dược sĩ Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng khoa KSNK Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Đối với BVĐK Bình Dương thuộc bệnh viện hạng II nhưng việc phát triển khoa KSNK vẫn còn nhiều hạn chế. Khoa được thành lập từ năm 1998 nhưng cơ sở vật chất kỹ thuật, các trang thiết bị phục vụ cho khoa hiện vẫn còn phải xài “đồ cổ”! Việc phổ biến rửa tay nhanh cho thân nhân người bệnh, khách đến thăm, học sinh và cả sinh viên thực tập ở tại các cơ sở KCB là điều khó thực hiện. Thường giá dung dịch rửa tay nhanh khá đắt tiền, khi trang bị cho thân nhân người bệnh để rửa tay diệt khuẩn nhưng nhiều người thiếu ý thức lại lấy giặt đồ, rửa chén... bỏ mặc những khuyến cáo! Các thao tác thực hiện vô khuẩn cho người bệnh lại có yêu cầu cao khi “phải thay găng khi chuyển từ vùng cơ thể nhiễm khuẩn sang vùng sạch trên cùng một người bệnh”. Hiện việc kêu gọi nhân viên y tế rửa tay sát khuẩn vẫn còn là “kỳ công”, tiến tới các hoạt động KSNK mà bắt đầu từ những việc đơn giản (như rửa tay) sẽ được bệnh viện chấn chỉnh đi vào nề nếp, xây dựng theo chế độ có thưởng, có phạt”. Trao đổi thêm về hoạt động trong khu vực Tiếp liệu Thanh trùng, dược sĩ Phúc cho biết: “Các thao tác ở khu vực này được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật bao gồm các khâu: chuẩn bị, đóng gói đồ vải, tiêu khuẩn toàn bộ đồ vải phẫu thuật, hộp dụng cụ chịu nhiệt và bộ dụng cụ không chịu nhiệt; thực hiện giao nhận dụng cụ y tế qua khâu khử khuẩn, tiệt khuẩn và sau đó là kiểm tra, lưu giữ và cấp phát dụng cụ đã tiệt khuẩn cho các khoa, phòng. Để thực hiện tốt công tác KSNK, bệnh viện sẽ tiếp tục củng cố và hoàn thiện tổ chức, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cho nhân viên chuyên trách làm công tác KSNK. Mặc dù vậy, hiện bệnh viện vẫn chưa có kinh phí, khó khăn lớn về nhân lực, không có nhân viên được đào tạo bài bản về công tác KSNK, hơn nữa việc giám sát thực hiện vẫn chưa tiến hành nên hiệu quả công việc vẫn chưa được đánh giá đúng mức”.
Ông Huỳnh Kim Hoàng, Phó Trưởng phòng kế hoạch điều dưỡng BVĐK tư nhân Á Châu cho biết: “Tuy bệnh viện mới thành lập nhưng mọi công tác liên quan đến quá trình KSNK đã được bệnh viện chú trọng đầu tư ở tất cả các khâu; dự kiến bệnh viện sẽ thiết kế xây dựng quy trình một chiều trong phẫu thuật, kỹ thuật, kể cả việc vận chuyển đồ đạc. Hiện bệnh viện chưa có điều kiện thành lập khoa nhưng sẽ phối hợp với bộ phận điều dưỡng thành lập tổ KSNK. Giám đốc là tổ trưởng, mọi hoạt động đều được đánh giá qua chất lượng công việc nhằm hướng tới xây dựng môi trường lành mạnh, sức khỏe của cộng đồng”.
Ngoài những bệnh viện thực hiện tốt công tác KSNK vẫn còn không ít những cơ sở khám chữa bệnh “lấn cấn” trong công tác này. Những vấn đề được xem tầm vĩ mô như: quản lý chất thải, tẩy uế buồng bệnh, kỹ thuật tiêm an toàn... còn được các cơ sở quan tâm thực hiện, những việc nhỏ nhặt như vệ sinh tay, thay găng thì vẫn bị bỏ ngõ. Hành trình thực hiện thông tư 18 hiện vẫn còn cả một chặng dài phía trước.
KIM HÀ