Kiểm soát chặt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Thứ hai, ngày 22/05/2017

Từ quý 3-2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát hiện trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhưng ngành thú y tỉnh vẫn tăng cường kiểm soát và tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh thức ăn gia súc, người chăn nuôi không mua bán, sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Phú Cường (ảnh trên), Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh.

(BDO)

- Hiện nay việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang trở thành vấn đề “nóng” được các cấp, ngành và người dân quan tâm. Xin ông cho biết, công tác quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang đặt ra như thế nào đối với ngành chức năng của tỉnh?

- Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rất nhiều về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trước tình hình này, với sự chỉ đạo của cấp trên, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh xác định việc tuyên truyền gắn với kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ngay từ đầu năm, chi cục đã xây dựng kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất giống vật nuôi, trang trại chăn nuôi, cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh. Đơn vị cũng phối hợp thực hiện kế hoạch hành động năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y; kiểm tra chất cấm tại các cơ sở giết mổ động vật.

Công tác tuyên truyền, phổ biến cho người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm rõ được tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ tiếp tục được chi cục triển khai thường xuyên. Bên cạnh đó, qua đường dây nóng chi cục sẽ nhận tất cả thông tin phản ánh từ người dân liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chi cục cũng vận động người dân cung cấp thông tin khi phát hiện tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, sử dụng hóa chất, chất cấm và kháng sinh cấm trong chăn nuôi. Ngoài ra, việc triển khai để các hộ, trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh ký cam kết không sử dụng, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi cũng là một biện pháp hữu hiệu để đẩy lùi chất cấm trong chăn nuôi. “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi” là thông điệp để ngành chăn nuôi phát triển một cách bền vững và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng kiểm tra trước giết mổ tại một cơ sở giết mổ ở xã An Điền, TX.Bến Cát. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

- Được biết, ngày 20-5-2017, Nghị định 41/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi có hiệu lực. Vậy đơn vị sẽ xử lý như thế nào nếu phát hiện các cơ sở kinh doanh thức ăn có chất cấm và hộ dân có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thưa ông?

Khi phát hiện cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm, đơn vị sẽ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. Theo Nghị định 41/2017 của Chính phủ thì các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, không bảo đảm vệ sinh thú y đều bị tăng mức tiền phạt cũng như biện pháp khắc phục hậu quả, đặc biệt là các hành vi kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sơ chế, chế biến thực phẩm.

Cụ thể, đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà không sản xuất thì mức phạt từ 50 - 70 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ sở vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi từ 6 tháng tới 1 năm trong một số trường hợp, hoặc các cơ sở sản xuất, chăn nuôi buộc phải khắc phục hậu quả như tiêu hủy thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Đối với các cơ sở chăn nuôi phải tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi sử dụng chất cấm tới khi không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ. Nghị định cũng quy định buộc tiêu hủy vật nuôi trong trường hợp tái phạm sử dụng chất cấm.

Đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, theo Điều 13, Nghị định 119/2013 thì chỉ xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng, nhưng theo Nghị định 41/2017 mức phạt đã tăng lên từ 40 -50 triệu đồng; đồng thời tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật có tồn dư chất cấm

Nghị định 41 cũng áp dụng xử phạt với hành vi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có chất lượng kém. Theo đó, đơn vị nhập khẩu sẽ bị phạt từ 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm; phạt từ 40 - 50 triệu đồng với hành vi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc không được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền… Đồng thời, đơn vị nhập khẩu phải có biện pháp khắc phục như tái chế hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, nếu không khắc phục được có thể bị buộc tái xuất hoặc tiêu hủy…

- Xin ông cho biết trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh có những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi?

- Trong thời gian tới, chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh thú y, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Chi cục phối hợp với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tổ chức triển khai ký cam kết với các hộ chăn nuôi không sử dụng chất cấm và kháng sinh không được phép sử dụng trong chăn nuôi, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Đối với các hộ kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, chi cục tiếp tục tổ chức ký cam kết không kinh doanh chất cấm và kháng sinh không được phép sử dụng trong chăn nuôi; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở sản xuất giống vật nuôi trên địa bàn, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo quy định

- Xin cảm ơn ông!

QUỲNH NHIÊN (thực hiện)