Kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu
(BDO) Theo Bộ Tài chính, để đạt mục tiêu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 4% trong năm nay theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, thì mỗi tháng còn lại trong năm CPI (11 tháng) sẽ phải tác động giảm khoảng 0,12%.
Bộ Tài chính cho biết nếu mặt bằng giá chung không có biến động lớn, giá dịch vụ y tế dự kiến chịu tác động từ việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý tiền lương, điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình đã được đề ra trong kịch bản từ đầu năm thì phải kiểm soát chặt chẽ mặt bằng giá của quý I; giảm CPI tháng 2 và tháng 3, trong đó chủ yếu tập trung vào việc điều hành giá các mặt hàng xăng dầu, thịt heo và phải tính đến yếu tố thị trường là giá gas, mặt hàng ăn uống ngoài gia đình sau tết.
Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá góp phần kiểm soát lạm phát, CPI dưới 4% là nhiệm vụ rất khó khăn nếu không chỉ đạo điều hành ngay từ quý I. Bộ cũng cho rằng bên cạnh việc phải triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm soát mặt bằng giá quý I thì phải tập trung nguồn lực để kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh…
HOÀNG ANH