Kiểm soát an toàn thực phẩm: Con voi chui lọt lỗ kim!

Thứ sáu, ngày 18/05/2012

  Toàn thành phố có trên 3.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ lậu Vấn đề vận chuyển gia súc, gia cầm lậu lâu nay luôn là đề tài nóng và tốn không biết bao nhiêu công sức của các lực lượng để tiến hành vây bắt, thiêu hủy.

Thế nhưng, bản thân việc quản lý chất lượng đầu ra, đầu vào của ngành thú y (cơ quan trực tiếp quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm) lại đầy bất cập.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh trên gia súc, giá cầm đang hoành hành thì vấn đề đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi sức khỏe người tiêu dùng bị xâm hại và quy trình xử lý và giám sát đến đâu?

Thật giả, giả thật đều khó đoán biết

Ngày 11-5 vừa qua, đoàn liên ngành 127 quận Hai Bà Trưng đã tiến hành kiểm tra một cơ sở giết mổ lậu tại ngõ 975c đường Bạch Đằng, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản thu giữ được trên 200 kg gà không nguồn gốc, xuất xứ đang được giết mổ để đem tới một số chợ trên địa bàn quận này tiêu thụ.

Nhưng đáng chú ý là tại hiện trường, đoàn liên ngành đã thu giữ được nhiều phẩm màu độc hại và cả con dấu lẫn mực in của Chi Cục thú y Hà Nội mà đối tượng sử dụng để tự đóng lên số thực phẩm trên, rồi đem thẳng đến các chợ mà cán bộ thú y địa bàn vẫn không hề hay biết.

Sau khi nhận được thông tin, Chi cục thú y Hà Nội đã lên tiếng khẳng định, 100% con dấu tại cơ sở trên là giả và hoạt động giết mổ trên cũng là bất hợp pháp.

Giải thích kỹ hơn, theo ông Cấn Văn Bình, Phó Chi Cục trưởng, Phụ trách Chi cục thú y Hà Nội, trên địa bàn các quận nội thành không được phép giết mổ gia súc, gia cầm.

"Chúng tôi đang sở hữu 20 con dấu và đến giờ phút này vẫn chưa xảy ra một vụ mất mát nào," ông Bình cho hay.

Tuy nhiên, sự việc lại đi theo hướng khác, qua trao đổi thì ông Bình lại cho rằng, đối với thực phẩm đã giết mổ, để nhận biết dấu kiểm dịch đóng trên gia cầm như gà, vịt là thật hay giả thì bằng mắt thường rất khó.

Làm rõ hơn, theo lý giải của ông Nguyễn Hữu Thảo, phó phòng kiểm dịch, Chi cục thú y Hà Nội thì con dấu của ngành thú y có thân làm bằng gỗ, mặt bằng cao su dẻo, còn dấu giả thì mặt bằng đồng. "Nhưng chỉ khi nhìn trực tiếp mới biết được," ông Thảo nói.

Trong số 20 con dấu mà Chi cục này đang quản lý thì, ông Thảo cũng cho biết 10 con dấu đang nằm tại cơ sở giết mổ Bắc Thăng Long với công suất khoảng 2.000 con/giờ, còn lại tùy theo địa bàn để phân chia, số con dấu con lại.

Quay lại một khu chợ nổi tiếng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, phóng viên làm một vài câu hỏi trắc nghiệm đối với người tiêu dùng thì đều nhận được câu trả lời, cứ có dấu kiểm dịch của thú y là họ yên tâm sử dụng, còn việc dấu kiểm dịch giả hay thật thì phải hỏi "ông thú y" và Ban quản lý chợ.

Lỗ hổng "con voi chui vừa lỗ kim"

Theo thống kê của Trạm thú y quận Hai Bà Trưng, bình quân mỗi tháng, trên địa bàn quận tiêu thụ từ 7-8 tấn gia cầm và khoảng 30 tấn thịt lơn, thịt bò... Thế nhưng ngay bản thân cơ quan trực tiếp nắm địa bàn này cũng không thể khẳng định chính xác có bao nhiêu trong số đó được đóng dấu kiểm dịch thật hoặc được cấp giấy kiểm dịch thực tế.

"Chúng tôi vẫn kiểm tra con dấu và cả giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển tại các chợ, nếu như thực phẩm giết mổ đã đóng dấu nếu không đảm bảo độ tươi thì các cán bộ thú y cũng không cho qua." ông Âu Duy Vũ, trạm trưởng trạm thú y quận Hai Bà Trưng cho hay.

Nếu như theo đúng quy trình mà ông Vũ đưa ra thì có nghĩa là tất cả thực phẩm giết mổ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cũng như đầu vào đều được kiểm soát rất chặt chẽ.

Cũng như lãnh đạo Chi cục, ông Vũ ngay sau đó cũng chia sẻ khó khăn là "ngành thú y chỉ kiểm soát chất lượng tại quầy bày bán, còn số thực phẩm cất chỗ khác thì lại không kiểm soát được".

Làm một ví dụ về con dấu đóng trên gà và vịt, ông Vũ cho rằng, qua quá trình vận chuyển thì việc va đập cũng làm con dấu bị biến dạng, do vậy việc kiểm soát thật giả cũng rất khó.

Như vậy đã rõ, việc quản lý thực phẩm trong các chợ thậm chí là siêu thị trên địa bàn nội thành đang có "vấn đề", bởi ngay cả các cơ quan trực tiếp làm kiểm dịch như thú y cũng khó khăn thì người tiêu dùng biết kêu ai?

Trong khi đó, việc làm giả con dấu thú y rất đơn giản, nếu của Hà Nội, thì trên mặt dấu sẽ khắc chữ "Chi cục thú y K.S.G.M 01", không có chỉ dẫn địa lý và mã số kiểm soát của ngành và điều này đương nhiên sẽ không khó để các đối tượng xấu có thể bắt chước, làm giả.

Mặt khác, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Bình, Chi cục trưởng Chi cục thú Y Hà Nội dẫn chứng, đây là con dấu riêng của ngành, không đăng ký qua cơ quan công an, do vậy khi thất thoát hoặc quản lý không chặt cũng phải tốn nhiều thời gian để đi xác minh.

Đáng báo động hơn là theo con số mà ông ông Bình cung cấp, trên toàn địa bàn Hà Nội hiện nay, có khoảng trên 3.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ "như trên" đang hoạt động và chủ yếu chọn các khu dân cư đông người và ngõ ngách để hoạt động.

Trong khi đó, báo cáo chưa đầy đủ của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, chỉ trong một tuần qua (tính từ ngày 10-5) thì tổng số gà lậu, không kiểm dịch bị thu giữ lên trên 11 tấn và đều chọn các khu chợ vùng ven để tiêu thụ.

Điều này đồng nghĩa với việc, nếu như không bị các lực lượng chức năng ngoài ngành thú ý thu giữ thì chắc chắn "một phần trong số này" có lẽ sẽ lòng vòng để rồi lại bị hô biến thành những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng...

"Qua vụ việc này ngành thú y sẽ tăng cường công tác kiểm tra, gắn trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý con dấu," ông Bình khẳng định.

Theo TTXVN