Kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên: Cần tránh tình trạng nể nang, né tránh, “bệnh” thành tích
(BDO) Ngày 4-10-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 124- QĐ/TW về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Để hiểu rõ hơn về những điểm mới, những điều cần lưu ý, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Phước Hiệp, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy một số nội dung xoay quanh quy định này.
- Thưa ông, xin ông cho biết Quy định 124 -QĐ/TW năm 2023 có những điểm mới gì so với Quy định 132-QĐ/ TW năm 2018?
- Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị được ban hành sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020; đến nay Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định có liên quan đến công tác cán bộ, đảng viên; đồng thời trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh một số vướng mắc. Vì vậy, để khắc phục những vướng mắc cũng như đồng bộ hóa với các văn bản trên, ngày 4-10-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 124-QĐ/TW về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Quy định có một số điểm mới cơ bản. Về đối tượng tập thể được chia thành 2 nhóm; trong đó nhóm thứ nhất là cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở; nhóm thứ 2 là tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Việc chia nhóm nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, vì 2 nhóm trên có những điểm khác nhau về nội dung kiểm điểm, tiêu chí đánh giá, tiêu chí xếp loại.
Về đối tượng cá nhân là đảng viên, ngoài những đảng viên được miễn công tác, miễn sinh hoạt không kiểm điểm, đánh giá, xếp loại, quy định cũng bổ sung các trường hợp đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt, đảng viên mới kết nạp chưa đủ 6 tháng.
Đảng ủy Quân sự TX.Bến Cát tổ chức hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2023
Về nội dung kiểm điểm, Quy định số 124-QĐ/TW đã tách riêng nội dung kiểm điểm đảng viên thành 2 nhóm, gồm cá nhân không phải lãnh đạo quản lý và cá nhân là lãnh đạo quản lý. Như vậy, bên cạnh những nội dung kiểm điểm như đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, những đảng viên là lãnh đạo quản lý phải tập trung kiểm điểm sâu, rõ, cụ thể hơn về nhiều vấn đề như kết quả công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành; thực hiện chức trách, nhiệm vụ; khả năng quy tụ, xây dựng đoàn kết nội bộ; mức độ hoàn thành nhiệm vụ dưới quyền quản lý; tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xử lý những vấn đề khó khăn, phức tạp, nhạy cảm; trách nhiệm trong công việc; trách nhiệm nêu gương của bản thân, gia đình; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sự tín nhiệm của đảng viên, cán bộ…
Bên cạnh đó, Quy định số 124-QĐ/TW lần này nêu cụ thể, chi tiết hơn về cách thức kiểm điểm; nơi kiểm điểm và việc xếp loại đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là những trường hợp giữ nhiều chức vụ hoặc kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau; về trách nhiệm, thẩm quyền trong kiểm điểm; về khung tiêu chí đánh giá, khung tiêu chí xếp loại.
Quy định số 124-QĐ/TW còn bổ sung nội dung về đánh giá, xếp loại đối với tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm xảy ra từ năm trước, thời điểm trước, ở cơ quan, đơn vị cũ… nhưng đến thời điểm năm đánh giá, xếp loại mới bị cấp có thẩm quyền quyết định thi hành kỷ luật…; quy định về xem xét, đánh giá, xếp loại lại.
- Trong những điểm mới đó, thì nội dung nào là trọng tâm cần phải chú trọng triển khai thực hiện, thưa ông?
- Trong những điểm mới vừa nêu trên, khi các chi bộ triển khai cần quan tâm, chú trọng một số nội dung trọng tâm. Cụ thể, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng; chấp hành sự lãnh đạo của cấp trên, đặc biệt là các yêu cầu cụ thể đối với chi bộ, nhất là đối với những chi bộ, tập thể, cá nhân được gợi ý kiểm điểm; bảo đảm thời gian, tiến độ theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như của cấp ủy cấp trên.
Song song đó là tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá kiểm điểm với kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và từng đảng viên nói chung và được giao nhiệm vụ cụ thể nói riêng; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, “bệnh” thành tích; biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Đối với đảng viên cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình; quan tâm, tập trung cho những nội dung về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện những điều đảng viên không được làm; ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm nêu gương; tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; lề lối làm việc, tác phong; liên hệ biểu hiện về suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa…
- Thưa ông, để Quy định 124-QĐ/TW được thực hiện đúng, hiệu quả thì công tác triển khai, quán triệt đến các chi bộ đã được tỉnh thực hiện như thế nào; chú trọng vào những giải pháp nào?
- Trước tiên, cần làm tốt công tác triển khai, quán triệt đến từng cán bộ đảng viên các nội dung của Quy định số 124- QĐ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản khác có liên quan, trong đó có Hướng dẫn số 25- HD/BTCTW ngày 10-11-2023, các chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy cấp trên. Các cấp ủy, tập thể lãnh đạo quản lý và người đứng đầu phải làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn; xác định và cụ thể hóa nội dung kiểm điểm; khắc phục tình trạng nội dung, tiêu chí chung chung, thiếu định lượng bằng sản phẩm cụ thể; đi sâu kiểm điểm làm rõ những ưu điểm, hạn chế; chỉ ra những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, đồng thời xác định trách nhiệm của tập thể cá nhân có liên quan; xử lý kịp thời nếu phát hiện có sai phạm; đề ra biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Bên cạnh đó là chỉ đạo kiểm điểm lại đối với những nơi không đạt yêu cầu, không bảo đảm các quy định; thực hiện việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại lại nếu có vi phạm trong quá trình tổ chức kiểm điểm.
- Xin cảm ơn ông!
THU THẢO (thực hiện)