Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển
(BDO) Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, nhiều doanh nghiệp (DN) bắt đầu triển khai các giải pháp để kích cầu tiêu dùng, bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá cả hàng hóa.
Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng hóa tại siêu thị Aeon Mall Bình Dương
Chia sẻ khó khăn
Theo đánh giá của Sở Công thương, hàng hóa trong quý I-2023 đa dạng, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, giá hầu hết các loại hàng cơ bản ổn định, nguồn cung được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I-2023 ước đạt 72.514 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ (quý I-2022 tăng 9,6%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Dự lường trước những khó khăn, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa, nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, đến nay hệ thống phân phối trên địa bàn vẫn duy trì, bảo đảm khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân. Điểm nổi bật của chương trình năm nay là nhiều DN tham gia đều cam kết giữ giá cho người tiêu dùng để kéo sức mua tăng trở lại. Trong quý I-2013 dù giá cả đầu vào cho các sản phẩm đang tăng nhưng DN sản xuất, nhà phân phối đều cam kết giữ giá. Điều này cho thấy sự chia sẻ rất lớn từ các DN, nhà phân phối để cùng đồng hành với địa phương hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều DN, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, bán lẻ còn tập trung vào những chiến lược phát triển mới, khai thác thế mạnh riêng để không ngừng mở rộng mạng lưới, hệ thống phân phối, đặc biệt là cập nhật nhanh nhạy ứng dụng thương mại điện tử, khai thác sâu các kênh bán hàng trực tuyến, tích hợp thanh toán đa kênh, đa phương tiện... Qua đó, từng bước mở rộng phân khúc thị trường, hướng đến khách hàng mới, tiềm năng.
Nắm bắt tín hiệu thị trường
Đại diện các nhà bán lẻ cho biết quý I sức mua tăng 5 - 10% và đang chững lại. Để quý II khởi sắc hơn, bên cạnh đồng hành chương trình bình ổn giá, các siêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mại. Theo ông Ngô Đức Toàn, Giám đốc thu mua Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, hiện DN đang triển khai 2 chương trình bình ổn giá đặc biệt với hàng trăm mặt hàng thiết yếu tại tất cả các trung tâm MM trên toàn quốc, đó là “giá sỉ” dành cho hơn 40 mặt hàng thực phẩm tươi sống và “khóa giá” dành cho hơn 500 mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu. Tại Bình Dương, sau 2 tuần, danh mục hàng hóa “giá sỉ” sẽ thay đổi liên tục để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn cho thực đơn gia đình.
Cùng với đó, các DN đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm phát huy vai trò hệ thống phân phối theo tín hiệu thị trường, coi trọng phát triển các kênh phân phối hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, ứng dụng phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới để hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, khuyến khích phát triển các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh. Phía siêu thị Go Bình Dương cho biết sức mua hiện cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không bền vững. Trong rổ hàng hóa của người tiêu dùng, các mặt hàng thiết yếu chiếm tỷ trọng chính, còn những mặt hàng khác đều bị cắt giảm chi tiêu rất nhiều.
Nắm được xu hướng là người tiêu dùng chỉ dành ngân sách cho các sản phẩm thiết yếu, các ông lớn ngành bán lẻ tham gia vào chương trình bình ổn thị trường các đơn vị cam kết giữ giá ổn định thông qua việc cung cấp các sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả hợp lý với nguồn cung dồi dào, ổn định qua nhiều kênh khác nhau. Ông Võ Văn Lớt, Giám đốc Aeon Mall Bình Dương, cho biết đa số người dân có điện thoại thông minh để sử dụng, làm việc nên việc trải nghiệm, mua sắm trên môi trường trực tuyến rất phổ biến, tiện dụng. Do đó, siêu thị cũng thay đổi và linh hoạt hơn để thích ứng với thói quen của người tiêu dùng. “Việc trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ ăn uống triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, kích cầu mua bán qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, ứng dụng; đồng thời hỗ trợ các chính sách giao hàng nhanh chóng là giải pháp tối ưu, tạo thuận lợi cho cả người mua lẫn người bán”.
Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki, cho biết tình hình kinh tế khó khăn hiện nay ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của nhiều người lao động. Điều này sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng giảm tần suất mua, số lượng và cả mặt hàng sẽ mua, ảnh hưởng nhiều đến sức mua trong thời gian gần đây. Ông Furusawa Yasuyuki dự báo thị trường còn khó khăn đến giữa năm và sẽ hồi phục lại sau đó.
TIỂU MY