Kích cầu tiêu dùng hàng Việt trong tình hình mới
(BDO) Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm giảm sức mua, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bán lẻ tiêu thụ hàng Việt. Những khó khăn này lại tạo động lực cho hàng Việt tự làm mới mình, ứng dụng công nghệ để vượt “bão” Covid-19, vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Công ty TNHH MTV Trường Thọ (TX.Bến Cát) tốc lực cho các đơn hàng cuối năm
Vào mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm
Sau dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhà bán lẻ trong nước đang chủ động khôi phục sản xuất, kinh doanh, chủ động tăng cường các hoạt động khuyến mại, ưu đãi vào dịp cuối năm, nhất là các chương trình kích cầu hàng hóa trong nước nhằm thích ứng linh hoạt trong tình hình mới trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19. Theo nhiều DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, hiện nay hoạt động sản xuất đang dần được phục hồi sau nhiều tháng bị gián đoạn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Nhiều DN chủ động tăng cường các hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm để thu hút khách hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ trong dịp cao điểm cuối năm.
Ông Lương Ngọc Văn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trường Thọ (TX.Bến Cát), chia sẻ công ty hiện đã phục hồi dần hoạt động sản xuất với công suất đạt hơn 2/3 so với thời điểm trước đợt dịch bệnh Covid-19. Công ty vẫn đang đẩy mạnh hoạt động phân phối vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhất là cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành phía Nam. Thời gian tới, tùy vào diễn biến dịch bệnh, công ty sẽ có kế hoạch để thích ứng, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), mặc dù 67% người tiêu dùng Việt Nam xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam, nhưng hiện một số sản phẩm Việt tại thị trường nội địa chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã. Để hàng Việt vượt “bão” Covid-19, nâng sức cạnh tranh với các hàng hóa nhập khẩu cùng phân khúc, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hơn lúc nào hết các DN cần nâng cao chất lượng hàng hóa, nhanh chóng tái cơ cấu, chuyển đổi hình thức kinh doanh phù hợp thực tế. |
Trong khi đó, đối với các kênh bán lẻ, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm, nhất là đối với các sản phẩm hàng Việt.
Ông Nguyễn Hoàn Long, Giám đốc Co.opmart Bình Dương, cho biết tình hình mua sắm tại siêu thị hiện ổn định. Đặc biệt, siêu thị đã hoạt động trở lại chương trình khuyến mại với giá đặc biệt, nhiều sản phẩm giảm giá sâu tới 50% vào những ngày cuối tuần. Chương trình này áp dụng nhiều đối với các loại thực phẩm, hóa mỹ phẩm, may mặc, đồ gia dụng…, trong đó hàng trong nước chiếm tỷ lệ lớn. Ông Long cho hay, siêu thị đang tập trung cho các hoạt động, chương trình khuyến mại vào dịp cuối năm, cập nhật chương trình thường xuyên, trong đó có nhiều chương trình dành riêng cho hàng nội để kích cầu mua sắm, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, hiện nay để tiêu thụ hàng Việt, nhiều nhà bán lẻ, DN sản xuất, người nông dân đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử giúp người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm, hàng Việt chất lượng cao. Tuy nhiên để thích ứng tốt, DN bán lẻ cần bắt nhịp được với các xu thế của thị trường như phát triển bán hàng đa kênh, đào tạo nhân sự đẩy mạnh mua sắm online, củng cố lại tất cả hệ thống bán lẻ, chất lượng. Đồng thời, cần chung tay cùng các nhà cung cấp để xây dựng những chương trình quảng cáo thu hút khách hàng, kích cầu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, cần phải chú ý cập nhật các thành tựu công nghệ, xu hướng thị trường, đặc biệt là gia tăng dịch vụ chăm sóc khách hàng theo hướng xây dựng giao diện thân thiện, đáng tin cậy và thuận lợi hơn cho khách.
Hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Cuối tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (cuộc vận động) trong tình hình mới.
Theo chỉ thị này, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam.
Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về cuộc vận động bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp tới các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội nhằm khuyến khích và ưu tiên thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động các DN Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia cuộc vận động, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng… Đồng thời, công bố thường xuyên, kịp thời danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hơn thế nữa, cần rà soát các chính sách, đẩy mạnh công tác hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, phát triển thị trường nội địa; ứng dụng thương mại điện tử trong công tác mở rộng thị trường trong và ngoài nước; kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Đối với các hoạt động kết nối hàng Việt trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương), cho biết trong tháng 12, trung tâm sẽ phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại theo chuyên đề hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện chương trình bán hàng Việt Nam tại các địa phương, khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ngành công thương ưu tiên giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh, cấp quốc gia, kết nối vào các siêu thị, DN phân phối trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, chia sẻ vào dịp cuối năm, sở sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối cung cầu, các hoạt động kết nối hàng Việt trong tỉnh nhằm hỗ trợ, liên kết các sản phẩm cần tiêu thụ giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Trong đó, sở sẽ tiếp tục linh động các hình thức xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trên nền tảng số, trực tuyến để hỗ trợ các hợp tác xã, DN địa phương trong tỉnh tìm kiếm, mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Thành Phương đề nghị các DN Việt cần nâng tiêu chuẩn của sản phẩm sản xuất ngay từ khâu trồng trọt, sản xuất, tạo thành nguyên liệu cho đến khi ra thành phẩm. DN cần hình thành các chuỗi sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đặc biệt là đối với lĩnh vực nông sản. Về phía các bộ, ngành chức năng, cần có chính sách hỗ trợ, phát triển nhanh các tập đoàn phân phối bán lẻ đủ sức cạnh tranh trên thị trường, mở rộng cửa đón hàng Việt phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, bảo đảm lợi ích cho nhà sản xuất Việt một cách công bằng, minh bạch và ổn định lâu dài. |
TIỂU MY