Kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Thứ năm, ngày 14/05/2020

(BDO) Các tổ chức tín dụng đang tích cực đẩy nhanh triển khai nhiều chương trình cho vay trong bối cảnh tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm do dịch bệnh Covid-19.

 Khách hàng được tư vấn vay vốn tại BIDV chi nhánh Bình Dương

 Kích cầu cho vay

Sau khi chững lại trong tháng 3, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh đã hồi phục trong nửa cuối tháng 4. Số liệu thống kê của ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Dương, cho biết tính đến cuối tháng 4, tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 205.537 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 1,99% so với đầu năm. Trong khi đó, trong tháng 3, tín dụng chỉ tăng 0,78% so với đầu năm.

Tín dụng tăng trở lại trong tháng 4 nhờ các ngân hàng đẩy mạnh triển khai các gói vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhằm khắc phục khó khăn cũng như khôi phục sản xuất. Tính đến cuối tháng 4, các gói tín dụng được các ngân hàng thương mại công bố hơn 650.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống.

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết để tăng tốc tín dụng kịp phục vụ khách hàng phục hồi sau ảnh hưởng dịch bệnh, BIDV Bình Dương đang chạy đua với thời gian giải quyết hồ sơ trong vòng từ 2 đến tối đa 5 ngày. Dù cũng rất khó khăn, nhưng BIDV vẫn đang nỗ lực đáp ứng tất cả nhu cầu của khách hàng. Với hoạt động cho vay, từ tháng 3, BIDV đã tung gói 50.000 tỷ đồng “kết nối vươn xa” cho khách hàng cá nhân SXKD với lãi suất từ 6-6,5%/năm. “Ngoài ra, còn nhiều gói tín dụng riêng ưu đãi và khuyến khích vay dành cho khách hàng DN với lãi siêu thấp, tùy theo đối tượng. Ngoài ra, BIDV Bình Dương cũng áp dụng nhiều gói về phí, thanh toán chuyển tiền như miễn phí, giảm 30%, giảm 50% trả chậm phí hoặc đến khi có doanh thu về. Với mức giảm lãi suất, phí như trên, BIDV Bình Dương dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay giảm đến 50% so với 2019”, ông Linh nói.

Bà Lại Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc ngân hàng HDBank chi nhánh Bình Dương, cho biết trong 2 tháng trước ngân hàng gặp nhiều khó khăn do lượng giải ngân thấp. Tuy số lượng DN đủ điều kiện vay, ngân hàng sẵn sàng cho vay song hầu hết DN rất ngại nhận nợ. DN lo ngại tình hình kinh doanh ế ẩm, khoản vay dù nhỏ vẫn không thể thanh toán lãi. Vì vậy, khi tình hình dịch bệnh tạm thời lắng dịu, ngân hàng đang tìm nhiều giải pháp để đẩy nhanh cho vay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm tăng chậm do dịch bệnh Covid-19. Theo bà Thủy, trong thời gian gần đây HDBank đã triển khai hàng loạt giải pháp miễn, giảm phí, lãi suất… Bên cạnh đó là các gói ưu đãi tín dụng có tổng giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng hành cho nhiều mục đích vay phục vụ khách hàng DN, hộ kinh doanh cá thể…

Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khá thấp so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho năm 2020 là 14-16%. Vì vậy, không chỉ 2 ngân hàng nêu trên mà các ngân hàng khác như Vietcomabank, Sacombank, Vietinbank… với các biện pháp riêng của mình, tất cả đều đang nỗ lực tìm cách để đẩy mạnh cho vay trong thời điểm này.

Kiểm soát tốt dòng tín dụng

Việt Nam hiện đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh Covid-19, khi công bố hết dịch kinh tế sẽ hồi phục trở lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc, nhu cầu vay vốn của DN, cá nhân sẽ tăng trở lại. Khi đó, các điều kiện cho vay, thủ tục vay vốn… của ngân hàng sẽ được giải quyết theo chiều hướng nào?

Theo ông Lâm Phúc Hưng, Giám đốc ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chi nhánh Bình Dương, các gói tín dụng tung ra không xuất phát từ hỗ trợ ngân sách Nhà nước mà được hình thành từ chính nguồn tiền gửi của DN, người dân và tổ chức đang gửi tại ngân hàng. Ngân hàng phải trả lãi suất huy động để cho vay hỗ trợ ngược lại đối với các DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, cơ chế, quy trình cho vay cũng phải thực hiện theo các quy định hiện hành nhưng được áp dụng lãi suất nhẹ nhàng hơn và tất nhiên là tùy theo năng lực của từng ngân hàng. Các gói hỗ trợ này là sự chia sẻ lợi nhuận của ngân hàng dành cho khách hàng nên ngân hàng chú ý đến khả năng kinh doanh của DN, bởi nếu không sẽ dẫn đến kết quả nợ xấu. Ngân hàng rất khó trong việc thực hiện các công việc để cơ cấu cho số lượng lớn khách hàng trong thời gian ngắn.

Về việc có nên nới lỏng các điều kiện và hạ chuẩn cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng, ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Dương, cho biết ngành ngân hàng nỗ lực chia sẻ với DN, cộng đồng, góp phần nhanh chóng làm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Ngành ngân hàng đã và đang nghiên cứu, thực thi đơn giản hóa nhất các thủ tục vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. NHNNN cũng đã chỉ đạo sẽ xử lý các chi nhánh, các bộ thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu DN, người dân. Tuy nhiên, ngành ngân hàng tăng cường cho vay hỗ trợ DN, nền kinh tế nhưng không chạy theo tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá hay cho vay dưới chuẩn để đạt mục tiêu lợi nhuận… Tất cả nhằm bảo đảm tăng trưởng tín dụng chất lượng, bảo đảm an toàn hệ thống, không để gia tăng nợ xấu như mục tiêu hoạt động đã đề ra cho ngành trong năm 2020.

 Ngành ngân hàng đã và đang nghiên cứu, thực thi đơn giản hóa các thủ tục vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. NHNN cũng đã chỉ đạo sẽ xử lý các chi nhánh, các bộ thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu DN, người dân. Tuy nhiên, ngành ngân hàng tăng cường cho vay hỗ trợ DN, nền kinh tế nhưng không chạy theo tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá hay cho vay dưới chuẩn để đạt mục tiêu lợi nhuận… Tất cả nhằm bảo đảm tăng trưởng tín dụng chất lượng, bảo đảm an toàn hệ thống, không để gia tăng nợ xấu như mục tiêu hoạt động đã đề ra cho ngành trong năm 2020.

 THANH HỒNG