Kích cầu thị trường, tạo sức bật tăng trưởng

Thứ sáu, ngày 17/11/2023

(BDO) Trong những tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng nhưng mức tăng vẫn chưa cao. Kích cầu thị trường tiêu dùng dịp cuối năm là giải pháp quan trọng.

Ngành bán lẻ khởi sắc

Từ đầu quý III, bằng việc thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng đã kéo sức mua tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng, từ tháng 9-2023 đến nay đều có mức tăng trưởng so với các tháng trước và so cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của tỉnh trong tháng 10-2023 đạt 25.680 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng đạt 251.254 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, doanh thu bán lẻ và dịch vụ hàng hóa tăng trưởng có một phần các doanh nghiệp (DN) đồng loạt thực hiện khuyến mại, giảm giá đã góp phần tăng tổng cầu, kích thích sức mua của người dân. Nhìn chung, các chương trình khuyến mại đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của các DN từ sản xuất, bán lẻ, dịch vụ đến kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn… trên địa bàn tỉnh, từ đó cải thiện sức tiêu dùng.

Các siêu thị trên địa bàn tỉnh kỳ vọng sức mua chung của thị trường sẽ cải thiện vào dịp cuối năm

Thực tế cũng cho thấy trong năm 2023, rất nhiều DN đã thực hiện khuyến mại kéo dài suốt nhiều tháng. Điển hình như nhà bán lẻ Saigon Co.op đã đưa ra lộ trình giảm giá liên tục vào những dịp lễ với nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng. Siêu thị này đã thực hiện giảm giá đối với những sản phẩm đồ dùng gia đình, đồ điện, thời trang may mặc… với mức giảm giá từ 30 - 59%. Ngoài ra, thị trường hàng hóa cũng đã sôi động hơn khi nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình tăng vào giai đoạn chuyển mùa, bắt đầu vào năm học mới. Việc giảm giá đồng loạt, mạnh tay và liên tiếp của các nhà bán lẻ đã thúc đẩy sức mua chung trên thị trường.

Tạo sức bật cho thị trường

Theo đánh giá của các siêu thị, thời gian qua, mức bán lẻ hàng hóa của cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng có tăng nhưng tốc độ khá chậm chạp. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc siêu thị Co.opmart Chợ Đình, mức tăng vẫn chưa đạt so với giai đoạn trước, cho thấy sự tăng trưởng chưa hiệu quả như mong muốn. “Hiện mức tăng trưởng doanh số của DN bán lẻ hiện đại bị chững lại, nếu trừ đi mức trượt giá thì sản lượng phân phối ngang bằng hoặc thấp hơn cùng kỳ”, bà Khanh cho biết.

Tại huyện Phú Giáo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đạt 9.856 tỷ đồng, tăng 28,75% so với cùng kỳ, đạt 78,35% kế hoạch năm; huyện Bàu Bàng đạt 6.804 tỷ đồng, tăng 23,15%; TX.Bến Cát đạt 40.288 tỷ đồng, tăng 31%; TP.Dĩ An đạt 93.642 tỷ đồng, tăng 9,4%; TP.Thuận An đạt 81.020 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ...

Cũng theo bà Khanh, người tiêu dùng đang mua sắm tiết kiệm hơn và xu hướng tiêu dùng thay đổi. Sau những khó khăn toàn cầu, cơ cấu hàng hóa thay đổi theo hướng tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng thiết yếu, có giá trị thấp. Cùng với đó, dưới tác động của làn sóng cắt giảm lao động, cắt giảm tiền lương mà nhiều doanh nghiệp thực hiện từ đầu năm đến nay đã khiến thu nhập của người dân giảm, kéo theo chi tiêu cũng thận trọng hơn. Vì vậy, lợi nhuận của ngành bán lẻ đã phải chịu áp lực nặng nề từ sức cầu yếu…

Chính vì vậy, theo bà Khanh, từ đầu năm tới nay rất nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng đã được Chính phủ đưa ra như giảm thuế VAT 2%, giảm lãi suất… đã hỗ trợ một phần cho DN. Bên cạnh đó, DN bán lẻ vẫn phải nỗ lực tự vận động để thích ứng với thị trường. Cụ thể, các DN tự nhận định thị trường và cơ cấu về nguồn hàng phù hợp với xu hướng chi tiêu tiết kiệm của người tiêu dùng để phát triển.

Mùa mua sắm cuối năm đang tới gần sẽ kích thích nhu cầu mua sắm sôi động hơn, giúp ngành bán lẻ cải thiện tình hình kinh doanh và có thể lấy lại đà tăng trưởng. Vì vậy, các DN bán lẻ cho rằng cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước. Trong đó, cần phải tăng cường kiểm soát công tác niêm yết giá, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm giả hoặc tăng giá cục bộ ở một số mặt hàng. Cùng với đó, cần tập trung giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong sản xuất, kinh doanh như đẩy nhanh hoàn thuế, giảm thuế giá trị gia tăng… để gỡ khó cho DN.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Ký Hiệp, Quản lý siêu thị MM MeGa Maket Bình Dương, cho rằng các DN cần chú trọng và nâng cao chất lượng hàng hóa, thực hiện nghiêm các biện pháp về kiểm dịch an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói đối với hàng thực phẩm, nông, thủy sản theo quy định của thị trường. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, không những duy trì thị phần trong nước mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu. Mặt khác, gia tăng hoạt động hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Những chính sách này cần áp dụng sớm hơn và mang tính liên tục, dài hơi hơn để hỗ trợ DN, góp phần tăng sức cầu nền kinh tế, qua đó tác động trực tiếp đến doanh số kỳ vọng của các DN bán lẻ thời gian tới.

THANH HỒNG