Kích cầu thị trường, nâng cao vị thế hàng Việt
(BDO) Sau Tết Nguyên Đán, lao động trở lại Bình Dương làm việc đông, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ tiếp tục có những tín hiệu khởi sắc. Đây là cơ hội để hàng Việt tiếp cận gần hơn đến người tiêu dùng, nhất là các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thực phẩm, thời trang...
Siêu thị Aeon đẩy mạnh kích cầu nông sản Việt để thu hút khách hàng
Đa dạng kênh phân phối
Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thị trường hàng hóa trở nên sôi động hơn sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, để thu hút người tiêu dùng, nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi được các nhà bán lẻ, kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) trong nước triển khai mạnh với nhiều hình thức từ trực tiếp đến online…
Ông Võ Nhất Vũ, Giám đốc Siêu thị Big C Bình Dương, chia sẻ nhu cầu mua sắm sau tết tiếp tục có nhiều khởi sắc. Siêu thị đã chủ động nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú về chủng loại, mẫu mã, bảo đảm ổn định giá cả đầu ra. Trong đó có nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng dành cho các sản phẩm hàng Việt, đặc sản địa phương… Để thích ứng tốt, Big C bắt nhịp được với các xu thế của thị trường như phát triển bán hàng đa kênh, đào tạo nhân sự, đẩy mạnh mua sắm online, củng cố lại tất cả hệ thống bán lẻ. Đồng thời, chung tay cùng các nhà cung cấp để xây dựng những chương trình quảng cáo thu hút khách hàng, kích cầu tiêu dùng trong nước.
Theo quản lý nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, hàng Việt đã dần có sự thích nghi với nhu cầu, nhiều DN trong nước, nhãn hàng Việt chủ động tung ra nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng vào dịp cao điểm để thu hút khách hàng… Ông Nguyễn Hoàn Long, Giám đốc Co.op Mart Bình Dương, cho biết: “Tình hình mua sắm tại siêu thị hiện ổn định. Siêu thị đã kích hoạt trở lại chương trình khuyến mãi với giá đặc biệt, nhiều sản phẩm giảm giá sâu tới 50%. Chương trình này áp dụng nhiều đối với các loại thực phẩm, hóa mỹ phẩm, may mặc, đồ gia dụng… trong đó hàng trong nước chiếm tỷ lệ lớn. Siêu thị đang có nhiều chương trình dành riêng cho hàng nội để kích cầu mua sắm, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng ngay những ngày sau tết”.
Không chỉ các kênh bán lẻ, phân phối truyền thống, trên nhiều nền tảng công nghệ, sàn thương mại trực tuyến, nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng hàng Việt cũng được chú trọng triển khai. Thực tế cho thấy, hiện nay để tiêu thụ hàng Việt, nhiều nhà bán lẻ, DN sản xuất, người nông dân đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm hàng Việt chất lượng cao.
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong thời gian qua việc ra mắt khu trưng bày, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh hay việc ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử Bình Dương giúp tạo điều kiện để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, đặc sản, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh. Từ đó kết nối, tạo thêm cơ hội để các sản phẩm địa phương tiếp cận nhiều hơn với khách hàng, đối tác… Trong năm 2022, ngành công thương tiếp tục tổ chức kết nối các chương trình cung cầu giúp DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận.
Tầm nhìn dài hạn
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, cùng với những khó khăn chung do đại dịch Covid-19 mang lại, các DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt còn phải đối mặt với những thách thức trong một giai đoạn mới - giai đoạn thị trường có sự tác động của nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Tác động lớn nhất có lẽ là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2022 sau 8 năm đàm phán. Giai đoạn tới đây, cùng với những thách thức của thời kỳ “hậu đại dịch”, hàng Việt Nam còn phải củng cố nội lực nhiều hơn nữa, nâng cao chất lượng nhiều hơn nữa để có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và tiến dần ra thế giới nhằm tận dụng lợi thế của các FTA.
Hiện tại, Việt Nam cũng đã và đang đàm phán, ký kết thêm nhiều FTA mới, như: UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh); FTA giữa Việt Nam với Khối thương mại tự do châu Âu (gồm 4 nước); FTA giữa Việt Nam - Israel… Tính chung trong vòng gần 30 năm qua, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết tổng cộng 17 FTA với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, với phạm vi tác động lớn và có quan hệ thương mại với rất nhiều quốc gia trên toàn cầu. Đã đến lúc, DN cần có tầm nhìn thị trường thế giới thực sự trở thành sân chơi chung, không phân biệt hàng hóa đến từ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, với các hàng rào thuế phí như nhau, các quy định và quy chuẩn như nhau. Câu chuyện không còn là ưu tiên hàng Việt mà là sự cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.
Ông Võ Nhất Vũ cho biết các DN Việt cần chú trọng chất lượng, giá cả, mẫu mã và cả những yếu tố “sâu xa” hơn như mức độ bảo vệ môi trường, mức độ “nhân văn”, sự minh bạch của sản phẩm trong mắt người tiêu dùng. Các DN cũng cần chú trọng đến mẫu mã sản phẩm theo hướng nghiêng về với tự nhiên, các sản phẩm theo xu hướng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
TIỂU MY