Kỉ niệm 102 năm ngày sinh thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (1914-2016): Vang mãi khí phách một thi tướng miền Đông

Thứ ba, ngày 23/02/2016

“Ai về xứ Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ). Những câu thơ nổi tiếng trên của thi tướng vùng Chiến khu Đ vẫn vang vọng mãi. Dịp này, nhiều nơi tổ chức ngày thơ Việt Nam, các câu thơ trên lại được trang trọng diễn ngâm. Thế mới biết, khí phách của một người anh hùng sẽ sống mãi với thời gian, qua thơ ca, qua những câu chuyện đời thường bình dị…

  
Con gái thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (thứ 2 từ trái qua) đang hướng dẫn các bạn trẻ tham quan Nhà lưu niệm thi tướng tại xã Thường Tân

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ sinh ngày 2-2-1914 tại làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc xã Thường Tân, Bắc Tân Uyên), trong một gia đình nghèo. Gia đình ông lập nghiệp ở vùng Tân Uyên. Thân phụ của ông là ông Huỳnh Văn Tờn, từng học võ và biết chữ Nho. Thân mẫu ông là bà Đoàn Thị Hiển, sinh năm Canh Thìn (1880), làm nghề gánh hàng bán cau khô, vải… Huỳnh Văn Nghệ là con thứ 7 trong gia đình có 9 người con (hiện nay còn 5 người) nên còn gọi là Tám Nghệ. Tuy nhà nghèo nhưng ông được hưởng một nền giáo dục rất tốt, được cha dạy dỗ căn bản cả văn lẫn võ, được gia đình chăm lo ăn học đến nơi đến chốn.

Từ nhỏ, ông ảnh hưởng tinh thần yêu nước của gia đình. Khi học bậc trung học trường Petrus Ký tại Sài Gòn, ông thường xuyên có thái độ bài Pháp thực dân và có thể đã có những tiếp xúc đầu tiên với những người cộng sản. Sau khi tốt nghiệp với bằng Thành chung vào năm 1932, ông làm công chức tại Sở Hỏa xa Đông Dương (Sài Gòn). Thời gian này, ông được các cán bộ cộng sản vận động, tham gia phong trào Đông Dương Đại hội vào năm 1936, bắt đầu làm thơ, viết báo (tiếng Việt, tiếng Pháp) đăng trên các báo ở Sài Gòn với bút danh Hoàng Hồ. Năm 1937, ông được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất.

Năm 1940, Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra và bị chính quyền thực dân đàn áp khốc liệt. Do việc thường xuyên tiếp tế cho một bộ phận nghĩa quân rút về lập căn cứ ở Tân Uyên, năm 1942, ông bị phát hiện và bị truy bắt, ông kịp đào thoát sang Thái Lan. Tại đây, ông hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. Tiếp sau đó là những năm tháng hoạt động quân sự tại miền Đông Nam bộ… Năm 1950, sau khi sát nhập khu Sài Gòn - Chợ Lớn vào Khu 7, Huỳnh Văn Nghệ là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Khu 7. Sau đó làm Tỉnh đội trưởng tỉnh Thủ Biên. Năm 1953, ông được cử ra Bắc học tập và tiếp tục công tác trong quân đội với hàm thượng tá, Trưởng phòng Thể dục Thể thao, Phó Cục trưởng Cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam… Năm 1965, ông về miền Nam tham gia chống Mỹ, tham gia công tác tại Trung ương Cục miền Nam, giữ các cương vị Trưởng ban Căn cứ, Phó ban Kinh tài và Trưởng ban Lâm nghiệp. Sau khi đất nước thống nhất, ông là Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Ông lâm bệnh và mất tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 5-3-1977.

Một đời binh nghiệp nhưng ông vẫn luôn dành thời gian cho tâm hồn thi ca của mình. Ông làm nhiều bài thơ nổi tiếng nên được người miền Nam tặng cho danh hiệu “thi tướng rừng xanh” bởi tài làm thơ hay, dễ đi vào lòng người. Với ông, gươm và bút luôn song hành: “Tôi là người lăn lóc giữa đường trần/ Không phân biệt lúc mài gươm múa bút/ Đời chiến sĩ máu hòa lệ, mực/ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi/ Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi/ Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác/ Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát/ Lòng ta say chiến trận đến thành thơ”…

Sự nghiệp sáng tác của ông có thể kể đến với gần 50 bài thơ chọn in trong tập Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ, NXB Đồng Nai, 1998. Ngoài ra ông còn viết truyện ký, tự truyện được tập hợp trong hai tập sách “Quê hương rừng thẳm sông dài” và “Những ngày sóng gió”… Tháng 12-2006, các tập thơ “Chiến khu xanh”, “Bên bờ sông xanh”, “Rừng thẳm sông dài” được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật… Nhà lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ, thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên (nay là huyện Bắc Tân Uyên), tỉnh Bình Dương cũng là nơi giáo dục cho thế hệ sau về lòng yêu nước của một anh hùng lực lượng vũ trang, một người con ưu tú của Bình Dương…

Mỗi năm, cứ dịp ngày giỗ của ông ở Thường Tân, gia đình ông lại tặng hàng chục suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó ở quê nhà, như một sự động viên cho các em học tập tốt hơn, sau này giúp ích nhiều hơn cho quê hương, đất nước.

Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ là giải thưởng lớn, được UBND tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức và trao tặng (5 năm một lần) cho các tác giả trong và ngoài tỉnh có tác phẩm dự thi đạt chất lượng. Giải thưởng lần thứ IV được trao vào năm 2010. Năm nay, giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ lần thứ V (giai đoạn 2011-2015) sẽ được trao vào ngày 26-2 tới.

Giải thưởng dành cho các bộ môn văn học nghệ thuật và các tác giả luôn cảm thấy vinh dự, tự hào khi được nhận giải thưởng này. Đó cũng là một dấu mốc cho quá trình sáng tác của văn nghệ sĩ.

 
QUỲNH NHƯ