Khuyến khích xã hội hóa giáo dục mầm non
So với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, hàng năm TX.Thuận An luôn chịu nhiều áp lực về gia tăng học sinh các cấp, trong đó có mầm non (MN). Dù hàng năm Thuận An có thêm những công trình trường mới, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, do số học sinh là con em ngoài tỉnh gia tăng mỗi năm. Từ đó, các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập (NCL) ra đời đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở các địa phương.
Trường Mẫu giáo Vinh Hỷ do Công ty Shyang Hung Cheng đầu tư xây dựng để nuôi dạy trẻ cho con em người lao động của công ty. Ảnh: A.SÁNG
Hiện nay toàn thị xã có 14 trường MN công lập, 55 trường NCL và 137 nhóm, lớp độc lập. Xác định cơ sở MN NCL ra đời góp phần cùng ngành giáo dục - đào tạo chăm lo việc học cho các cháu, nên chính quyền địa phương từ thị xã đến các xã, phường và ngành luôn tạo mọi điều kiện để cơ sở được cấp phép hoạt động. Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Thuận An cho biết, phòng đã tham mưu với UBND thị xã có văn bản phân cấp quản lý và chỉ đạo xã, phường có biện pháp tích cực quản lý, chỉ đạo các cơ sở MN NCL trên địa bàn. Đa số các xã, phường thực hiện công tác quản lý và phối hợp tư vấn, kiểm tra cấp phép cho các cơ sở giáo dục MN NCL khá tốt và đi vào nề nếp.
Đối với các cơ sở đã được địa phương cấp phép thành lập theo thẩm quyền, địa phương phối hợp phòng kiểm tra, thanh tra việc tổ chức và hoạt động, nếu bảo đảm quy định thì phòng GD-ĐT cấp phép hoạt động. Bà Ngân còn nói, địa phương kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm và đóng cửa các cơ sở chưa chấp hành theo quy định, có nhiều nguy cơ mất an toàn đến tính mạng và sức khỏe của trẻ. Đáng mừng là thời gian gần đây các chủ đầu tư có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất khang trang theo quy mô lầu hóa, phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục MN.
Là địa phương có công nghiệp phát triển, thu hút công nhân lao động đến làm việc, nên Thuận An khuyến khích các doanh nghiệp dành quỹ đất để xây dựng trường MN. Hiện nay Thuận An có 1 nhà trẻ được cấp phép thành lập và đi vào hoạt động, 2 trường MN đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ và chờ cấp phép thành lập. Sự ra đời của các trường MN ở các doanh nghiệp đã phục vụ nhu cầu gửi con của công nhân tại công ty.
Là địa phương có số lao động ngoài tỉnh tăng cao, cơ sở MN NCL vì thế cũng liên tục mọc lên. Để các cơ sở đi vào hoạt động nề nếp, địa phương và ngành theo dõi, nhắc nhở các cơ sở hoàn thiện các điều kiện theo yêu cầu để được cấp phép hoạt động. Hiệu trưởng một trường MN công lập ở phường Thuận Giao cho biết, đối với các cơ sở nuôi giữ trẻ có 2 nhóm/lớp và quy mô dưới 60 trẻ, thì hiệu trưởng trường MN, mẫu giáo công lập tham mưu địa phương kiểm tra cơ sở trên địa bàn quản lý để tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ chủ cơ sở hoàn thiện các điều kiện, thủ tục để trình UBND xã, phường cho phép thành lập.
Điểm chung ở những cơ sở MN NCL là sĩ số trẻ vượt so với quy định, kể cả những cơ sở đã được cấp phép. Có những cơ sở số trẻ trong mỗi lớp từ 40 - 50 cháu. Để các cháu được chăm sóc, nuôi dạy tốt, ngành thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở cơ sở tuân thủ những quy định đã đề ra. Nếu cơ sở có đủ điều kiện về quỹ đất, cơ sở vật chất có thể cải tạo để bảo đảm đủ điều kiện tối thiểu thì phòng GD-ĐT hướng dẫn, tư vấn cơ sở hoàn thiện cơ sở, đội ngũ và hoàn chỉnh hồ sơ xin chuyển từ nhóm lớp sang trường. Với những cơ sở không có điều kiện về quỹ đất phải thuê mặt bằng và cải tạo cơ sở vật chất để xin cấp phép, phòng tư vấn giúp đỡ cách bố trí, sắp xếp đồ dùng gọn gàng, thuận tiện cho trẻ sinh hoạt, chú trọng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ. Đối với cơ sở không đủ điều kiện chuyển sang mô hình trường thì phòng GD-ĐT đề nghị những cơ sở này giảm số lượng trẻ dưới 50 cháu trong thời gian 1 tháng.
Nhờ làm tốt công tác tham mưu, kết hợp trong cấp phép, nhiều cơ sở MN ở Thuận An tiếp tục được cấp phép thành lập. Tính đến đầu năm học 2015- 2016, Thuận An có thêm 5 trường MN NCL được thành lập mới, 1 cơ sở quy mô mẫu giáo phát triển thành trường mẫu giáo, có 52 nhóm/lớp được thành lập mới. Mạng lưới trường lớp MN NCL đã góp phần đáng kể cùng với ngành chăm sóc, nuôi dạy trẻ MN trên các địa bàn.
A.SÁNG