Khuyến khích phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
(BDO) Bảo vệ môi trường (BVMT) sinh thái là một trong những mục tiêu quan trọng để bảo đảm các ngành nghề trong kinh tế nông thôn phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Những năm qua, đi đôi với quá trình phát triển kinh tế nông thôn các địa phương luôn chú trọng các giải pháp thích hợp để duy trì và tạo nên sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái.
Trang trại Đồi Xanh (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) đang triển khai xây dựng mô hình du lịch sinh thái với vườn cây, ao cá, ẩm thực
Giải pháp phù hợp
Trong bối cảnh khí hậu biến đổi, nhu cầu thị trường đang thay đổi, các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, gắn với việc BVMT. Xác định nông nghiệp là thế mạnh, thời gian qua huyện Dầu Tiếng đã tập trung sản xuất gắn theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Theo ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, song song với quá trình sản xuất, huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp thu gom, quản lý, xử lý chất thải của các cơ sở kinh doanh, chăn nuôi tập trung để tránh gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất. Ngoài ra, hàng năm huyện luôn xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tuân thủ các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản đều được tập huấn và cấp giấy chứng nhận về an toàn.
Ông Phạm Bình Long, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, cho biết trên địa bàn hiện có 240 hộ và 15 trang trại chăn nuôi heo, gà quy mô lớn với quy trình khép kín. Các trang trại được xây dựng phù hợp với quy hoạch chăn nuôi tập trung của huyện. Địa điểm xây dựng các trang trại cách xa trường học, cơ sở, bệnh viện, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà máy, điểm dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính. Định kỳ các chuồng trại đều được vệ sinh, xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh được xử lý theo quy định. Các trang trại chăn nuôi đều có hệ thống xử lý chất thải và nước thải, không có tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đối với các mô hình sản xuất trồng trọt, nhiều nhà vườn ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ. Có hệ thống tưới nước tiết kiệm để giảm chi phí, không sử dụng nguồn nước bẩn, nước thải để tưới tiêu. Với diện tích 2 ha trồng sầu riêng, hộ ông Nguyễn Văn Sơn, ấp Tân Định, xã Minh Tân đã thực hiện quy trình trồng theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần BVMT, sức khỏe người tiêu dùng cũng như người sản xuất. Ông Sơn chia sẻ vườn trồng tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại, chất kích thích sinh trưởng. Đặc biệt không sử dụng giống, vật tư nguyên liệu có nguồn gốc biến đổi gen, chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, phân vi sinh.
Chất lượng sống nâng cao
Phát triển kinh tế nông thôn nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương hướng tới. Phát triển loại hình du lịch sinh thái được xem như một giải pháp hữu hiệu để BVMT, hướng tới sự phát triển bền vững. Là vùng chuyên canh cây ăn trái có múi lớn nhất tỉnh, huyện Bắc Tân Uyên tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế trang trại, hình thành nhiều mô hình trang trại có tiềm năng để phát triển du lịch.
Hiếu Liêm là xã có diện tích cây ăn trái tập trung lớn nhất của huyện Bắc Tân Uyên, trên địa bàn có 62 trang trại trồng trọt và chăn nuôi. Các trang trại trồng trọt sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP và đều có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, một số trang trại đã kết hợp sản xuất cây ăn trái với dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng, ăn uống, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và BVMT.
Bên cạnh những trang trại đã đi vào hoạt động, thu hút lượng lớn khách tham quan mỗi năm như Sol Retreat, Lâm Thành Thương, hiện nay trang trại Đồi Xanh (ấp Cây Dâu), xã Hiếu Liêm cũng đang trong quá trình xây dựng để phát triển mô hình du lịch sinh thái. Ông Hồ Công Trường, Chủ trang trại Đồi Xanh, cho biết: “Hiện tại trang trại đang mở rộng diện tích, trồng cây để tạo cảnh quan. Trước mắt sẽ làm dịch vụ như câu cá, cà phê, tham quan vườn cây sau đó sẽ phát triển dịch vụ lưu trú. Khu du lịch sinh thái Đồi Xanh được đầu tư xây dựng dựa trên vườn cây ăn trái có sẵn được trồng và chăm sóc theo quy trình đặc biệt, tuyệt đối tuân thủ các tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Cũng theo ông Hồ Công Trường, hiệu quả chiều sâu về nhiều mặt của du lịch sinh thái sẽ góp phần cải thiện đời sống nhân dân, nông thôn được chỉnh trang sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, phát triển du lịch sinh thái bền vững cần có chính sách cụ thể để khuyến khích, đồng thời chịu sự quản lý chặt chẽ, để các đơn vị yên tâm, mạnh dạn đầu tư, xây dựng.
TIẾN HẠNH