Khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện di dời

Thứ sáu, ngày 08/03/2024

(BDO)  Với định hướng phát triển trong giai đoạn mới, việc di dời doanh nghiệp (DN) tại địa bàn phía Nam về các khu, cụm công nghiệp phía Bắc tỉnh là rất cần thiết. Các sở, ngành, địa phương đang tham mưu lộ trình thực hiện, chính sách ưu đãi cụ thể trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong diện phải di dời.

 Cần tạo điều kiện cho các DN trong diện di dời duy trì hoạt động nếu không có sai phạm nghiêm trọng về môi trường, đất đai. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Thuận An

 “Cú hích” từ chính sách

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết dự thảo kế hoạch đã xây dựng tiêu chí, chính sách hỗ trợ và triển khai thực hiện thí điểm chuyển đổi công năng, di dời các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào khu, cụm công nghiệp phía Bắc trên địa bàn tỉnh trong năm 2024. Sau đó, tỉnh sẽ xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ di dời, tổ chức hội thảo lấy ý kiến về tiêu chí xác định và chính sách hỗ trợ. Theo tính toán, trước mắt tỉnh sẽ triển khai thực hiện thí điểm di dời các DN (dự kiến di dời 5-7 DN) và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm.

Đối với việc xây dựng các nhóm chính sách hỗ trợ di dời, đề xuất sẽ có các nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và hỗ trợ DN. Đặc biệt, đề xuất chính sách mới hỗ trợ DN di dời, chuyển đổi công năng như: Chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh; chính sách cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới; chính sách hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thông tin đến với DN cần phải rõ ràng, cụ thể, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của DN và môi trường đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, việc đánh giá, lựa chọn, phân loại DN phải thực hiện di dời theo những căn cứ pháp luật. Trong công tác di dời DN lên các địa phương phía Bắc, các ngành cần tham mưu kỹ những giải pháp về đầu tư hạ tầng, quỹ đất, chính sách ưu đãi, đáp ứng đủ các điều kiện về nhà ở, hạ tầng xã hội, nguồn lao động cho nhu cầu của DN sau quá trình di dời.

Đối với các nhóm chính sách, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết khi xây dựng chính sách hỗ trợ DN di dời chuyển đổi công năng cần nghiên cứu cụ thể, phù hợp với địa phương, trình HĐND thông qua để áp dụng thay vì đưa các chính sách theo quy định pháp luật hiện có. Có như vậy thì mới khuyến khích được các DN di dời.

Ông Nguyễn Thành Úy, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết Thuận An đến nay đã thành lập tổ giúp việc hỗ trợ đề án di dời và chuyển đổi công năng các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp. “Khi tiếp xúc, tìm hiểu, điều DN quan tâm là khi nào di dời, di dời về đâu? Chính sách hỗ trợ như thế nào? DN được chuyển đổi công năng ra sao? Ngoài những đơn vị vi phạm về đất đai, môi trường nghiêm trọng thì ngưng hoạt động, đối với những cơ sở trong diện di dời cần được tạo điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh cho đến khi chính sách di dời được triển khai”, ông Nguyễn Thành Úy nhấn mạnh.

Về vấn đề lao động, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết chính sách hỗ trợ cho lao động phải thông qua DN để DN tự tổ chức tuyển dụng; chỉ định bố trí quỹ đất cho DN làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… thay vì ưu đãi tiền lương là cách làm hiệu quả lâu dài.

Di dời sớm được hưởng lợi

Trước mắt, định hướng các khu, cụm công nghiệp phục vụ di dời là các khu công nghiệp đã có thủ tục pháp lý, như: Khu công nghiệp (KCN) Cây Trường (huyện Bàu Bàng), KCN Rạch Bắp mở rộng và các cụm công nghiệp (huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo). Tỉnh cũng thành lập các cụm công nghiệp chuyên ngành để phục vụ di dời nhà máy của các DN gốm sứ, đồ gỗ.

Ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “Trong xây dựng chính sách cần chỉ ra những điểm mới để tạo điều kiện cho DN. Nếu những DN di dời trước được thụ hưởng lợi ích về chính sách đất đai, hạ tầng, địa điểm, công nghệ… sẽ thúc đẩy các DN trong diện phải di dời và khuyến khích di dời đăng ký đến địa điểm sản xuất mới. Tổng Công ty Becamex IDC sẽ đồng hành cùng dự án chuyển đổi sản xuất, ưu tiên các DN di dời từ phía Nam về phía Bắc theo đúng chủ trương, chính sách của tỉnh”.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh qua 30 năm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Bình Dương đã thu hút được hàng chục ngàn DN đến từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn mới, để phát triển đô thị, việc thực hiện chuyển đổi công năng và di dời các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Nam về các địa phương phía Bắc là hết sức cần thiết, nhằm giải quyết bài toán về hạ tầng, môi trường và đời sống của người dân.

Theo đó, DN di dời được ưu tiên thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ và đô thị, hạ tầng, trên cơ sở bảo đảm quy hoạch chung và quy hoạch phân khu. Các sở ngành, địa phương cần lưu ý việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ - đô thị phải phù hợp với quy hoạch chung. “Chính sách hỗ trợ về đất đai phải gắn với quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất. Chuyển đổi công năng phải chuyển đổi sang loại hình nào phù hợp? Phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển của địa phương”, ông Võ Văn Minh lưu ý.

 Lộ trình thực hiện di dời DN tại các địa phương phía Nam về các khu, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030. Số lượng di dời khoảng 2.900 DN và nhà máy ra khỏi các khu dân cư.

 TIỂU MY - CẨM TÚ