Khuyến công: Thúc đẩy phát triển sản xuất

Thứ ba, ngày 03/12/2019

(BDO) Thời gian qua, ngành công thương triển khai nhiều hoạt động khuyến công, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao tỷ trọng và giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.


Nghiệm thu đề án hỗ trợ tại Công ty Cơ khí Kim Chung

Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến

Năm 2019, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh tiếp tục tập trung ưu tiên hỗ trợ, quan tâm, định hướng, tạo điều kiện phát triển để các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh nhà ngày càng có chất lượng vượt trội, phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường, thể hiện được vai trò là sản phẩm thế mạnh, chủ lực, tiềm năng của tỉnh nhà.

Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung (TX.Tân Uyên), trong giai đoạn Việt Nam bước vào hội nhập sâu rộng và toàn diện, đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới đối với cơ quan, địa phương, doanh nghiệp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ là yếu tố quyết định và tiên quyết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ứng dụng khoa học công nghệ thiết bị tiên tiến góp phần nâng cao năng suất chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm mới cung ứng thị trường và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực trạng chung của cơ sở CNNT là đa phần có quy mô nhỏ, năng lực công nghệ hạn chế nên ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh là tạo lợi thế cạnh tranh mạnh nhất. Chính vì vậy, để phát triển ổn định các cơ sở CNNT cần phải chủ động đầu tư nâng cao năng lực công nghệ và việc cần làm trước tiên là cải tiến, đổi mới trang thiết bị hiện có. Việc được hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc phát triển giúp công ty có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, phát triển đơn hàng và quan trọng nhất là theo kịp những yêu cầu cao về công nghệ của các khách hàng lớn đối với ngành cơ khí.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh, trong các hoạt động khuyến công đã triển khai, nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho cơ sở CNNT được chú trọng và ưu tiên khuyến khích nhằm mục đích nâng cao năng lực công nghệ cho cơ sở CNNT thông qua việc đổi mới, thay thế một phần chính hay toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn, hiệu quả hơn. Hoạt động này trước hết phải xuất phát từ cơ sở CNNT, do cơ sở CNNT chủ động thực hiện, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện, còn lại là vốn đối ứng của cơ sở CNNT. Lý do cơ bản nhất đỏi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ công cho việc đổi mới công nghệ là để tạo động cơ cho cơ sở CNNT, hạn chế những rủi ro đầu tư trong quá trình đổi mới công nghệ của cơ sở CNNT. Việc khuyến khích đổi mới công nghệ trong lĩnh vực sản xuất CNNT dựa trên tình hình thực tế của cơ sở CNNT và yêu cầu của phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, thực hiện theo Quyết định 759/QĐ-UBND ngày 3-4-2019 của UBND tỉnh, sở đã thực hiện hỗ trợ cho 11 doanh nghiệp, cơ sở CNNT, với tổng kinh phí đề nghị phê duyệt thực hiện 2,090 tỷ đồng (trong đó vốn đối ứng của các cơ sở CNNT là 8,065 tỷ đồng.

Máy móc thiết bị tiên tiến được hỗ trợ ứng dụng là máy móc thiết bị mới; nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu hoặc giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc tạo ra sản phẩm mới so với máy móc thiết bị cơ sở sản xuất đang sử dụng. Tính khả thi của các đề án được xem xét dựa trên 10 tiêu chí cơ bản làm căn cứ xác định tính tiên tiến của thiết bị gồm: Cường độ vốn TBCN; mức độ đổi mới thiết bị, công nghệ; xuất xứ thiết bị, công nghệ; mức độ tự động hóa; mức độ đồng bộ của TBCN; tỷ lệ chi phí năng lượng sản xuất; tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu sản xuất; chất lượng sản phẩm; trình độ lao động; năng suất lao động.

Theo Sở Công thương, căn cứ theo kế hoạch khuyến công địa phương được phê duyệt. Trong năm 2019, sở triển khai thẩm định và phê duyệt được 23 chương trình, kế hoạch, đề án với kinh phí thực hiện là 5,119 tỷ đồng. Bao gồm: Chương trình nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện công tác khuyến công, chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn Chương trình phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực

Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh động viên, khuyến khích các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới, thiết bị mới, tạo ra sản phẩm mới; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh; thúc đẩy sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; trình diễn, phổ biến, nhân rộng mô hình tới các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, trung tâm cũng giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với các tỉnh bạn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, làng nghề của tỉnh quảng bá sản phẩm, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu; phát hiện, tôn vinh các sản phẩm CNNT có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển để có kế hoạch hỗ trợ. Tiếp tục duy trì, phát triển hình ảnh thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm công nghiệp, đặc sản làng nghề của tỉnh; đồng thời động viên, khích lệ kịp thời đối với các doanh nghiệp thành lập mới tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh góp phần đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận, nắm vững các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công của Đảng và Nhà nước; đồng thời quảng bá, giới thiệu các mô hình khuyến công hiệu quả, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, các doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn.

Tính đến nay, trung tâm đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 180 người là cán bộ phụ trách công tác khuyến công tại các xã, phường, thị trấn và các cơ sở CNNT trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng và TX.Bến Cát (kinh phí của huyện). Các lớp tập huấn đã đáp ứng nhu cầu thiết thực giúp cho các cơ sở CNNT đang hoạt động trên địa bàn nắm bắt những chính sách, văn bản về khuyến công. Trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ các 6 doanh nghiệp đăng ký 6 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2019. Gồm các cơ sở: Cty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn; Cơ sở Sơn mài Thùy Vân; Cty TNHH Thiết bị điện Kim Sang; Cty CP SX TM Quang Minh; DNTN Như Ngọc; Cty TNHH SX TM Hevi. Kết quả, có 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2019 là Công ty CP SX TM Quang Minh và Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn.

Bên cạnh đó, sở đã thẩm định kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm truyền thống của tỉnh như sơn mài, gốm sứ, mây tre đan... trên địa bàn tham gia 2 hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp được học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện Chương trình tư vấn trợ giúp các cơ sở CNNT: thực hiện hỗ trợ 2 Đề án “Hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế bao bì đóng gói than gáo dừa” cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Gia Đình Việt Nam tại ấp Kỉnh Nhượng, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo; “Hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế bao bì sản phẩm thớt gỗ cho cơ sở Thớt gỗ Thanh Điền, TX.Thuận An. Trong đó vốn đối ứng của các cơ sở CNNT là 127,5 triệu đồng.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục củng cố và tăng cường hiệu quả công tác khuyến công từ cơ sở.; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng với các phương thức phong phú, đa dạng; nghiên cứu các giải pháp huy động, bổ sung các nguồn lực nhằm đẩy mạnh công tác khuyến công. Tích cực tranh thủ tối đa các nguồn vốn khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, kết hợp lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ và nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để thực hiện; triển khai đồng thời các hoạt động hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở CNNT thực hiện liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường với sản lượng lớn. Cung cấp thông tin, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công theo hướng chuyên nghiệp hóa nhằm nâng cao chất lượng công tác; chú trọng, ưu tiên xây dựng và triển khai hỗ trợ các đề án, nhiệm vụ khuyến công giải quyết nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường.

Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh động viên, khuyến khích các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới, thiết bị mới, tạo ra sản phẩm mới; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh; thúc đẩy sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; trình diễn, phổ biến, nhân rộng mô hình tới các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

TIỂU MY