Khuyến công địa phương 10 năm vững vàng
(BDO) 10 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, Bình Dương đã xây dựng được hành lang pháp lý để các chương trình khuyến công phù hợp với chủ trương chung của tỉnh, từ đó tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Lãnh đạo sở công thương dự hội nghị tổng kết 10 năm triển khai nghị định 45 của Chính phủ chiều 14-12 tại Hà Nội
Phối hợp hiệu quả
Theo đánh giá từ Cục Công thương địa phương, tại Bình Dương công tác khuyến công được triển khai sâu rộng và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hệ thống khuyến công không ngừng được củng cố, trưởng thành, kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương và hoạt động ngày càng hiệu quả.
Trong 10 năm qua, ngành công thương tỉnh đã thực hiện 27 hội thảo, lớp tập huấn thu hút 2.425 người tham dự với các chương trình được tổ chức xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, cung cấp những kiến thức chuyên sâu, tạo điều kiện cho các đại biểu có cơ hội được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, từ đó hiểu rõ hơn các quy định mới của ngành công thương, như: Các hiệp định thương mại tự do, chính sách mới về xuất nhập khẩu, thuế, thương mại điện tử, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại... Ngành công thương đã tổ chức 15 đoàn tham quan, khảo sát, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, kết nối cung cầu trong nước với 240 đại biểu tham gia. Thành phần tham gia là cán bộ quản lý, triển khai thực hiện chính sách khuyến công, cộng tác viên, đại diện các cơ sở công nghệ thông tin (CNNT)...
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và phát triển Công nghiệp (Sở Công thương), cho biết hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủcông nghiệp được xem là hoạt động trọng tâm của chương trình khuyến công. Hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của các cơ sở CNNT thể hiện qua 104 lượt cơ sở CNNT được hỗ trợ. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ chính sách thực sự là “vốn mồi” quan trọng đã khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân áp dụng các mô hình sản xuất hiện đại thông qua việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ tiến tiến. Việc làm này mang lại hiệu quả hết sức tích cực, có thể kể đến như: Nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường tính cạnh tranh, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện an toàn lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
“Nội dung hỗ trợ này đã tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở CNNT nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo sinh kế, việc làm ổn định cho người lao động thông qua việc tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại CNNT, góp phần xây dựng nông thôn mới”, bà Nguyễn Thúy Hằng khẳng định.
Nghiệm thu công trình khuyến công tại cơ sở công nghiệp trên địa bàn TX.Bến Cát năm 2023
Công tác tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh nhìn chung đã đi vào nề nếp, có chiều sâu và ngày càng phát huy hiệu quả. Thông qua việc tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã tạo sự kích thích các cơ sở CNNT đầu tư, sáng tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường, có tính cạnh tranh cao và thân thiện hơn với môi trường. Ngành cũng hỗ trợ 260 lượt cơ sở CNNT có sản phẩm tiêu biểu qua các kỳ bình chọn tham gia 35 hội chợ, triển lãm được tổ chức trong nước với 113 gian hàng. Đây là cơ hội tốt để các cơ sở CNNT của tỉnh tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm, tăng cường liên kết, mở rộng giao lưu, tìm kiếm đối tác trong và ngoài khu vực nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Từng bước khẳng định vai trò
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết hoạt động khuyến công ngày càng từng bước khẳng định được vai trò trong việc thúc đẩy CNNT phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa địa phương. Kết quả hoạt động khuyến công địa phương và quốc gia trên địa bàn tỉnh diễn ra đúng tiến độ thực hiện của từng đề án, nội dung đa dạng ở tất cả các chương trình của hoạt động khuyến công, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả mang lại hết sức thiết thực trong từng giai đoạn, trong đó tập trung vào các chương trình tuyên truyền chính sách đến các cơ sở CNNT và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất… góp phần cải thiện chất lượng và nâng cao nâng suất hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Thông tin tuyên truyền chính sách khuyến công đã được triển khai rộng rãi đến các cơ quan quản lý khuyến công cấp huyện, thị, thành phố. Hàng năm, ngành luôn có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, thông báo và hướng dẫn chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến các cơ sở CNNT trên địa bàn. Ngoài ra, hoạt động khuyến công luôn xây dựng và hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện và một số xã trọng điểm để tuyên truyền, thực thi chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Hạn chế lớn nhất là hiện nay chương trình khuyến công tại các địa phương cấp huyện, thị, thành phố chưa được đưa vào kế hoạch công tác hàng năm mà chủ yếu là phối hợp thực hiện từ các đề án, chương trình hoạt động khuyến công từ cấp tỉnh xây dựng và triển khai. Đa phần cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa chủ động tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh khuyến khích phát triển CNNT hoặc doanh nghiệp e ngại về thủ tục giấy tờ phức tạp liên quan để được chính sách ưu đãi, chưa xây dựng đề án khuyến công điểm, đề án khuyến công nhóm…
TIỂU MY