Khuyến công Bình Dương: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu!
(BDO) Thực hiện chương trình khuyến công năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TV PTCN) đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn (CNNT) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng như quảng bá thương hiệu, đồng hành cùng DN trong cạnh tranh và hội nhập.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Dương năm 2018 cùng các thành viên tham quan các sản phẩm tham gia bình chọn
Hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm
Các công ty được Trung tâm KC&TV PTCN chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong năm qua gồm Công ty TNHH Liên Thanh (TX.Bến Cát) với Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy nén khí cho hệ thống cung cấp hơi trong ngành sản xuất, chế biến gỗ gia dụng, Công ty TNHH MTV SX-TM-DV Long Đại Phát (Thuận An) với hệ thống lò sấy và nồi hơi công nghiệp trong chế biến gỗ, Công ty TNHH Bảo Hưng (TX.Tân Uyên) và Công ty TNHH MTV Hoàng Gia Hân (TP.Thủ Dầu Một) với máy CNC trong sản xuất chế biến gỗ, Công ty TNHH Duy Linh (huyện Bàu Bàng) với máy phân loại nhân hạt điều, Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại He Vi với máy sản xuất giấy lõi tổ ong, Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất (TX.Tân Uyên) với cụm máy móc thiết bị trong khâu hoàn thiện sản phẩm đan mây tre lá, Công ty TNHH Gỗ Nam Mỹ (huyện Dầu Tiếng) với hệ thống máy cưa xẻ gỗ, Công ty TNHH SX TM XNK Tuấn Linh (TX.Thuận An) với máy kéo sợi nhựa cung cấp nguyên liệu trong sản xuất đan sợi nhựa xuất khẩu, Công ty TNHH MTV Chế biến gỗ Tường Vân (Bắc Tân Uyên) với máy móc thiết bị trong công đoạn định hình sản phẩm ngành chế biến gỗ gia dụng, cơ sở Phước Thành (huyện Bắc Tân Uyên) với máy nghiền ván lạng phế phẩm.
Cũng nằm trong chương trình hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, trung tâm KC&TV PTCN đã tích cực thực hiện công tác hỗ trợ DN tham gia hội chợ Triển lãm để quảng bá sản phẩm và giao thương. Kết quả, Trung tâm KC&TV PTCN Bình Dương và Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Chế biến nông sản Ngon đã được UBND tỉnh Trà Vinh tặng Bằng khen. Sở Công thương và UBND tỉnh Bình Dương cũng đã được Bộ Công thương tặng bằng khen về công tác khuyến công, hỗ trợ DN. Đặc biệt, qua các hội chợ triển lãm khắp cả nước, đã góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của DN, của tỉnh và kết nối cung cầu với các vùng miền.
Vốn cấp tăng, vốn đối ứng của DN cũng tăng!
Trong năm, tổng kinh phí thực hiện công tác khuyến công là 4,038 triệu đồng (tăng gấp đôi so năm 2017). Tổng kinh phí đối ứng của cơ sở CNNT là: 13.104 triệu đồng. Trung tâm đã hoàn thành 100% kế hoạch được giao từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, các đề án đều bảo đảm về khối lượng và chất lượng.
Trong năm 2017, với 28 đề án (KC&TV PTCN, tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn...) được Sở Công thương thẩm định và phê duyệt, Trung tâm KC&TV PTCN được ngân sách tỉnh cấp tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng, tăng gấp đôi so các năm trước. Riêng chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Trung tâm KC&TV PTCN đã hỗ trợ cho 11 cơ sở CNNT, với kinh phí được duyệt là 2,1 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của các cơ sở CNNT là 12,3 tỷ đồng. |
Nhờ Nhà nước và DN cùng đầu tư, Trung tâm KC&TVPTCN đã tổ chức được nhiều hoạt động hỗ trợ DN thiết thực và hiệu quả, tạo ra những bước đột phá mới trong công tác khuyến công. Tại hội nghị khuyến công khu vực phía Nam tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh trong năm 2017 vừa qua, Cục Công nghiệp địa phương đã biểu dương Bình Dương trong top 5 tỉnh, thành phố đã quan tâm “bơm vốn” nhiều vượt bậc cho hoạt động khuyến công, góp phần phát triển CNNT địa phương.
Được biết, theo chương trình khuyến công được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt đến năm 2020, hàng năm tỉnh bố trí ít nhất 5 tỷ đồng để thực hiện các nội dung chương trình khuyến công. Không phụ kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh, Trung tâm KC&TV PTCN Bình Dương đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về khuyến công cho cán bộ liên quan đến hoạt động khuyến công, đặc biệt là công tác thẩm định đề án và thẩm định kinh phí, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng của cơ sở CNNT.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới, các DN, hiệp hội ngành nghề Bình Dương đã kiến nghị: Trung tâm Khuyến công, Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công thương cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn cho cán bộ phụ trách khuyến công về kỹ năng xây dựng đề án, thẩm định nội dung và kinh phí hỗ trợ. Đặc biệt là các lớp tập huấn cho DN về khởi nghiệp, quản lý DN, các chương trình mang tính đặc thù CNNT, từ đó nâng “chất”, nâng “trình” công tác khuyến công, tiến tới chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác khuyến công.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương nên rà soát và thống nhất với Bộ Tài chính xem xét, quy định lại nội dung chi, nâng mức chi hỗ trợ một số nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT để phù hợp tình hình thực tế phát triển công nghiệp ở Bình Dương.
Giải pháp hỗ trợ và quảng bá, phát huy thế mạnh của DN, địa phương
Tham gia tham luận và phát biểu tại hội nghị khuyến công khu vực phía Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Dương đã đưa ra một số kinh nghiệm, giải pháp xây dựng các đề án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn để phát huy thế mạnh từng DN, vực dậy các sản phẩm là thế mạnh của địa phương để hoạt động khuyến công thời gian tới đạt hiệu quả hơn. Theo đó, cần tiếp tục tập trung khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong đó ưu tiên đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn, giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tập hợp liên kết các ngành hàng mà đầu mối là liên kết các hiệp hội của địa phương lại với nhau. Hoạt động khuyến công góp phần phát huy lợi thế so sánh và khai thác thế mạnh về các nguồn lực sẵn có về tài nguyên, nguồn nguyên liệu, về thị trường và lao động tại địa phương để phát triển CNNT.
Sở và Trung tâm KC&TV PTCN thường xuyên tổ chức các chuyến khảo sát, nắm bắt nhu cầu của các cơ sở CNNT, phát hiện những DN tiềm năng phát triển theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, nguồn lao động, khả năng cung ứng sản phẩm tạo thành một chuỗi liên kết phát huy thế mạnh của DN và địa phương. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công, vừa phát huy được thế mạnh của DN và địa phương, đồng thời liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng.
Nhìn chung, công tác khuyến công của tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất CNNT bền vững. Đặc biệt, với giải pháp liên kết vùng, tạo chuỗi liên kết phát huy thế mạnh của DN, địa phương, sẽ là cơ hội mới đối với DN Bình Dương phát triển sản xuất kinh doanh và quảng bá thương hiệu trong thời cạnh tranh và hội nhập.
Năm 2017, Trung tâm KC&TV PTCN đã tổ chức cho DN tham gia 3 hội chợ lớn: Hội chợ Thương mại - Triển lãm sản phẩm CNNT tại Trà Vinh, Phú Yên và Hà Nội. Tại các hội chợ, trung tâm và DN trưng bày các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực và quốc gia của các DN các năm qua, như: Sản phẩm đậu phộng Ngon, sản phẩm tiểu thủ công của Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất và Công ty Cổ phần Quang Minh, sản phẩm sơn mài Thanh Bình Lê, Tư Bốn, thực phẩm chức năng của Công ty TNHH Vũ Nhật Nam, bóp, ví, dây nịch da trăn, cá sấu Ngọc Sơn, gốm sứ Hiền Hòa, DNTN Như Ngọc, quạt công nghiệp Nghệ Năng…
BẢO ANH