Khuyến công - 9 năm thành tựu
Sau 9 năm (2008-2016) triển khai Chương trình Khuyến công quốc gia của Chính phủ, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho lao động nông thôn.
(BDO) Họp công tác viên khuyến công
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu
9 năm qua, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, hợp tác xã đổi mới và hiện đại hóa phương thức sản xuất, hoạt động khuyến công đã dành hàng tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn. Riêng năm 2016 đã hỗ trợ cho 7 DN, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Kinh phí được cấp trong năm là 810 triệu đồng và vốn đối ứng của các cơ sở CNNT là 6.263 triệu đồng.
Nhìn chung, các đề án của chương trình này đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) triển khai thực hiện theo đúng trình tự thủ tục và giám sát theo dõi thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm mục tiêu đề ra. Có thể thấy chương trình đã thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của DN, cơ sở CNNT đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất ngày càng có chất lượng cao. “Vốn mồi” khuyến công đã tạo ðiều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ðầu tý có hiệu quả, phát triển CNNT một cách bền vững, góp phần vào việc nâng cao nãng lực cạnh tranh của các DN vừa và nhỏ trên ðịa bàn.
Sau khi được trình diễn, những mô hình khuyến công này đã giúp các DN, cơ sở sản xuất tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và bước đầu được nhân rộng ra các địa bàn, góp phần thu hút lao động, giải quyết việc làm, giảm dần cách tổ chức sản xuất tự phát, manh mún nhỏ lẻ, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống cư dân.
Ngoài ra, TTKC&TVPTCN còn phối hợp với các đơn vị liên quan xuất bản Bản tin Công Thương Bình Dương phản ánh tình hình, mục tiêu và tiềm năng của ngành công thương tỉnh, qua đó góp phần quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm hữu ích cho DN, làm cầu nối cho các DN kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cùng với đó, để giúp các DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, làng nghề của tỉnh có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình ở trong nước và quốc tế, TTKC&TVPTCN Bình Dương đã tích cực thực hiện chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu. Cụ thể, trung tâm đã vận động hàng trăm DN tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm tham gia chủ yếu là các sản phẩm truyền thống của tỉnh như sơn mài, gốm sứ. Điển hình là Hội chợ - Triển lãm hàng CNNT khu vực phía Nam lần II, Triển lãm - Hội chợ thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Bình Dương giai đoạn 2005-2010, Hội chợ - Triển lãm “Làng nghề - Công nghiệp - Thương mại Đông Nam bộ” năm 2011 tại Đồng Nai, Hội chợ - Triển lãm Làng nghề, Phố nghề năm 2010 tại thành phố Hà Nội và Hội chợ - Triển lãm Hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Nam lần thứ II tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Hội chợ Vùng Miền Đông Nam bộ năm 2014, Hội chợ - Triển lãm chào mừng Đại hội Đảng 2015... với kinh phí thực hiện hàng trăm triệu đồng.
Và đào tạo lao động
Giai đoạn 2008-2016 đã ghi dấu những thành công đáng kể của hoạt động đào tạo nghề của khuyến công Bình Dương. Từ đây, hoạt động đào tạo nghề góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người lao động nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ, TTKC&TVPTCN đã đầu tư thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm các đề án, chương trình khuyến công và tập trung vào các nội dung đào tạo nghề, phát triển làng nghề, xây dựng mô hình trình diễn, đặc biệt là đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Với nội dung đào tạo nghề, hoạt động khuyến công Bình Dương luôn gắn công tác đào tạo với nhu cầu lao động. Trước khi thực hiện đề án đào tạo, TTKCBD luôn khảo sát nhu cầu lao động tại các DN, cơ sở sản xuất, làng nghề để điều chỉnh quy mô cho phù hợp.
Trong 9 năm qua, TTKCBD đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 5.000 lao động thuộc các nghề: nâng cao kỹ năng công nhân may, đan mây tre lá, kỹ thuật hàn khung sắt định hình, sản xuất sản phẩm từ sợi nhựa, chế biến gỗ, may công nghiệp… tại huyện Tân Uyên và thị xã Thuận An, nhằm bổ sung nguồn nhân lực có tay nghề cao và chưa có tay nghề cho các cơ sở, DN thuộc các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng.
Có thể thấy, hoạt động khuyến công thông qua công tác đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề đã giúp cho các DN, cơ sở sản xuất CNNT phát triển sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động, góp phần tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, sử dụng thời gian nông nhàn vào trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cũng đã đáp ứng được một phần nhu cầu lao động có tay nghề để phục vụ cho các DN, cơ sở, hợp tác xã.
Đánh giá kết quả tích cực của chương trình khuyến công, ông Lê Hồng Phoa - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết, thực hiện chương trình khuyến công quốc gia, các DN dệt may trong hiệp hội đã trực tiếp được hưởng chế độ, chính sách từ chương trình khuyến công, nhất là hỗ trợ trong việc đào tạo nghề cho lao động đã giúp cho DN may có thêm nguồn kinh phí đào tạo, bổ sung thêm cho DN lực lượng lao động có tay nghề, kỹ năng và năng suất lao động cao. Đó là nguồn động viên rất lớn và quý báu đối với các DN tham gia đề án khuyến công của tỉnh.
Phát triển khuyến công theo chiều sâu
Phát huy những thành quả của hoạt động khuyến công, trong thời gian tới, khuyến công Bình Dương tiếp tục nhân rộng các mô hình, đề án khuyến công, nhưng không đầu tư một cách dàn trải mà tập trung phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng lực quản lý, đầu tư mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh của các làng nghề thủ công truyền thống gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực nông thôn.
Và để đồng hành cùng DN tốt hơn nữa, hiện TTKC & TVPTCN Bình Dương đang nâng cao năng lực tư vấn, thực hiện các dịch vụ công về lĩnh vực điện lực, an toàn lao động, hóa chất, vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai thực hiện Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2016-2020 theo đúng trọng tâm và định hướng phát triển CNNT trên địa bàn tỉnh.
Thành quả khuyến công đóng góp cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế công nghiệp là quá rõ. Song khó khăn của khuyến công vẫn còn nhiều. Công luận rất mong các ngành, cơ quan chức năng sớm giải quyết các khó khăn về vốn và cơ chế để đối tượng thụ hưởng thêm nức lòng, phấn khởi tham gia. Với những giải pháp về phát triển, kiện toàn nguồn nhân lực đầy nhiệt huyết của trung tâm, hiện tập thể cán bộ trung tâm, cùng đội ngũ công tác viên trong toàn tỉnh đang cháy hết mình để đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp khuyến công ngày càng khởi sắc.
Đồng thời, TTKC&TVPTCN BD cũng từng bước thực hiện xã hội hóa công tác khuyến công, tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp và dịch vụ khuyến công ở nông thôn. Lựa chọn hỗ trợ đầu tư kinh phí khuyến công từ nguồn ngân sách cho các lĩnh vực, địa bàn trọng yếu để góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa CNNT, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội. Tập trung tất cả các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất CNNT một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập quốc tế.
BẢO ANH