Khủng hoảng “thần tượng”!
(BDO) Dư luận vừa thêm một lần dậy sóng bởi nhân vật Khá Bảnh. Khả Bảnh xuất hiện ở một trường THCS Yên Bái “bỗng dưng” được rất nhiều bạn trẻ là học sinh nồng nhiệt chào đón như là một ngôi sao trong giới showbiz.
Khá Bảnh tên thật là Ngô Bá Khá (quê Bắc Ninh) có thời gian đi tù vì tội đánh người gây thương tích. Khá Bảnh gây sự chú ý của giới trẻ về hình tượng một tay anh chị xã hội đen biết lợi dụng công nghệ để tự lăng xê cho mình. Khá Bảnh “nổi tiếng” với mái tóc bờm ngựa và điệu nhảy múa quạt (Vinahouse) được nhiều bạn trẻ thế hệ 9x, 2x ăn theo. Đầu năm 2019, Khá Bảnh làm phim ngắn “Tình anh em”, ngay lập tức phim này thu hút tới hàng chục triệu lượt view và hơn 1 triệu lượt đăng ký theo dõi kênh Youtube của Khá Bảnh. Nội dung phim nhợt nhạt, diễn xuất theo kiểu phong trào, nhưng không hiểu sao giới trẻ lại tôn Khá Bảnh lên hàng “thần tượng”.
Trong phim này Khá Bảnh để lại câu nói: “Trong xã hội này, không có đúng hay sai. Chỉ có kẻ mạnh và kẻ yếu”, câu slogan này lập tức được các bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội với sự phấn khích, thích thú.
Cách đây chừng một tháng Khá Bảnh đã bị lực lượng chức năng xử phạt về hành vi dàn người hàng ngang trên đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long để chụp hình tự sướng. Chưa dừng lại, mấy ngày qua cộng đồng mạng lại tiếp tục dậy sóng khi hình ảnh Khá Bảnh mang chiếc xe tay ga của mình ra bãi đất trống để đập nát và đốt cháy trơ khung chỉ để đổi lấy một chiếc xe điện đã khiến nhiều người bức xúc…
Theo dõi trang Youtube của Khá Bảnh nhiều người rất e ngại, bởi sau khi khoe thành tích ăn chơi, sa đọa... Khá Bảnh còn lợi dụng kênh Youtube của mình để quảng cáo cho các trang đánh bạc online. Fanpages Khá Bảnh có khá nhiều bạn trẻ nhận Khá Bảnh làm “đại ca”, các fan này còn up hình khoe hình xăm trổ, tay vác mã tấu... cho đúng chất dân anh chị.
Có quá nhiều “thần tượng” phong trào kiểu như Lệ Rơi, Công chúa Thủy Tề, Bà Tưng, Thánh chửi Linda... nay là Khá Bảnh cho thấy giới trẻ thật sự đang khủng hoảng về thần tượng. Chưa bao giờ các bậc phụ huynh lẫn cơ quan chức năng lại lo lắng nhiều khi nhân vật giang hồ Khá Bảnh xuất hiện.
Câu hỏi được đặt ra: “Do thiếu sự quan tâm của gia đình, thiếu sự định hướng từ môi trường giáo dục, hay thiếu một sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, nên các bạn trẻ ngày nay dễ dàng chạy theo một “thần tượng” với tư tưởng nổi loạn?”. Câu hỏi này dành cho các nhà quản lý, cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu xã hội. Không thể để con em chúng ta a dua theo “thần tượng” một cách bất chấp các chuẩn mực đạo đức, lẫn vi phạm pháp luật.
PHÙNG HIẾU