Khủng hoảng chính trị tại Syria: Tương lai khó đoán định

Chủ nhật, ngày 17/03/2013

Hơn 2 năm qua, kể từ khi cuộc nội chiến tại Syria bùng nổ (1-2011), đã cướp đi gần 70 nghìn sinh mạng, hơn 1 triệu người khác phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trên 2 triệu trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề. Cái giá quá đắt của cuộc nội chiến. Thế nhưng, nhìn về phía trước, người dân Syria vẫn chưa thấy đốm sáng hy vọng nào cho tương lai.

Trong một diễn biến mới, ngày 15-3, mặc dù các chính phủ trong Liên minh Châu Âu (EU) đồng loạt bác bỏ nỗ lực của Pháp và Anh hối thúc EU dỡ bỏ lệnh cấm vận để cho phép cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria, nhưng, quan ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang và làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh trong khu vực vẫn còn hiện hữu. Bởi trước đó, ngày 14-3, lần đầu tiên, Anh và Pháp đã công khai tuyên bố, sẵn sàng trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập Syria; thậm chí không cần tới sự ủng hộ của EU. Đây được xem là bước ngoặt của cuộc chiến. Dư luận lo ngại, nếu điều này thành hiện thực thì rất có khả năng số vũ khí cấp cho quân nổi dậy từ Châu Âu có thể rơi vào tay kẻ xấu, đặc biệt là các chiến binh Hồi giáo cực đoan trong khu vực và có thể buộc các bên hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al Assad gia tăng chuyển giao vũ khí cho chính quyền Damascus.

  Khát vọng về một nền hòa bình thực sự luôn là mong ước cháy bỏng của người dân Syria.Về tuyên bố "đổ dầu vào lửa" như vậy, tại cuộc họp báo ở London (Anh) vào trung tuần tháng 3-2013, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng cảnh báo mọi động thái nhằm vũ trang cho lực lượng đối lập Syria sẽ đều vi phạm luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cũng lên tiếng, vũ khí trang bị cho phe đối lập Syria có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố. Trong một diễn biến liên quan, ngày 13-3, Nhà Trắng thông báo Mỹ vẫn chưa gửi các khoản viện trợ trực tiếp cho nhóm vũ trang đối lập ở Syria như lời cam kết của Ngoại trưởng John Kerry trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài mới đây. Lý do khiến Washington còn ngần ngại là trong lực lượng chống đối ở Syria có cả phần tử cực đoan nguy hiểm. Bởi hiện nay, ngày càng cho thấy có nhiều sự hiện diện của các tay súng thuộc nhóm khủng bố quốc tế Al Qaeda trong lực lượng đối lập ở Syria, tạo ra những thách thức lớn cho các khoản viện trợ Mỹ. Thậm chí, trong một diễn biến mới, ngày 15-3, tờ Thời báo Los Angeles đưa tin, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang thu thập tin về các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Syria và không loại trừ khả năng dùng máy bay không người lái tấn công các phần tử nguy hiểm này.

Rõ ràng, cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria đã không xoay chuyển theo hướng mong đợi của phương Tây. Đó là lý do khiến cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông ngày một trầm trọng thêm. Suốt những ngày qua, kể từ ngày 11-3, khi lực lượng chống đối bất ngờ tấn công vào quận chiến lược Baba Amr của thành phố Homs miền Trung Syria, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt. Còn tại thủ đô Damascus, quân chống đối pháo kích làm ít nhất 6 dân thường thiệt mạng và 24 người bị thương. Trong khi đó, ngày 16-3, quân đội Syria đã thu giữ ở gần thủ đô Damascus một lô hàng vũ khí; trong đó có nhiều đầu đạn tên lửa do Israel sản xuất cùng nhiều quân trang, thiết bị quân sự sản xuất ở nước ngoài. Trong một diễn biến khác, ngày 15-3, báo chí phương Tây tiết lộ, khoảng 200 quân nổi dậy Syria đã được huấn luyện tại hai trại, một ở phía đông và một ở phía nam Jordan về sử dụng vũ khí chống tăng. Dự kiến những ngày tới có 1.200 chiến binh của Quân đội Syria Tự do (lực lượng chống đối chế độ Tổng thống Bashar al Assad) sẽ được huấn luyện tại đây.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria không thể trượt dốc hơn nữa là mong muốn chung của cộng đồng quốc tế. Ước mơ một cuộc sống hòa bình đang là khao khát cháy bỏng của người dân nơi đây. Thế nhưng, mong ước đó thật không dễ thành hiện thực. Mặc dù gần đây, Damascus đã nhiều lần "chìa bàn tay" đối thoại với phe đối lập, thậm chí, cuối tháng 2-2013, Ngoại trưởng Walid Al-Muallem còn khẳng định, chính quyền nước này sẵn sàng đàm phán với tất cả các đảng phái, kể cả lực lượng nổi dậy vũ trang, muốn đối thoại để chấm dứt xung đột, nhưng điều này không nhận được sự hưởng ứng của phe đối lập. Vấn đề ở đây là thế lực từ bên ngoài muốn cuộc lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al Assad phải được thực hiện. Do đó, với những gì đang diễn ra, giới phân tích cho rằng, một nền hòa bình thực sự cho Syria vẫn còn ở đâu đó rất xa vời.

Theo Hà Nội Mới