Khu Liên hợp xử lý rác thải Nam Bình Dương: Hướng đến hoàn thiện công nghệ xử lý không chôn lấp
Rác thải đang là chủ đề gây bức xúc tại nhiều đô thị trong nước cũng như trên thế giới. Ý thức được điều này, những năm qua lãnh đạo tỉnh đã giao Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) nghiên cứu, đầu tư xây dựng Khu Liên hợp xử lý rác thải Nam Bình Dương đủ khả năng thu gom, xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt, công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh.
(BDO)
Bà Lenita Toivakka, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và phát triển Phần Lan kiểm tra tình hình hoạt động của Nhà máy sản xuất phân Compos. Ảnh: DUY CHÍ
Mô hình đầu tư hiệu quả
Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Chính phủ Phần Lan, tỉnh Bình Dương đã đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân Compos công suất 420 tấn/ ngày đêm sử dụng nguyên liệu rác thải đã qua phân loại, xử lý lên men vi sinh (giai đoạn 1). Sản phẩm này đang được tiêu thụ mạnh trong cả nước. Tiếp đó là nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, chủ yếu là gạch xây dựng truyền thống và gạch con sâu, gạch tự chèn dùng để lát vỉa hè, trang trí nền các công trình xây dựng. Nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm được thu hồi từ bùn thải của quá trình xử lý nước thải, rác thải cùng với gạch, đá, chất vô cơ được thu hồi từ việc phân loại rác thải sinh hoạt. Các sản phẩm này đang được thị trường ưa chuộng nhờ giá thành cạnh tranh, chất lượng bảo đảm và được cấp chứng nhận an toàn, chất lượng.
Sau khi tham quan Khu Liên hợp xử lý rác thải Nam Bình Dương, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương vừa qua, bà Lenita Toivakka, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và phát triển Phần Lan tự tin khẳng định, đây là công trình hiện đại và hoạt động hiệu quả nhất hiện nay, vì cùng lúc xử lý 2 loại rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe người dân. Mô hình này đáng được nghiên cứu, nhân rộng không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn có thể áp dụng tại các quốc gia lân cận nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, phát triển đô thị theo hướng bền vững.
Hoàn thiện công nghệ xử lý không chôn lấp
Ông Trần Chí Thắng, Phó Giám đốc Khu Liên hợp xử lý rác thải Nam Bình Dương cho biết, mỗi ngày khu liên hợp tiếp nhận trung bình 1.000 tấn rác sinh hoạt từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, cùng một lượng lớn rác thải công nghiệp, rác thải y tế từ các khu công nghiệp, cơ sở y tế trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Khu liên hợp đang có 2 bãi rác tập trung với diện tích trên 10 ha và đang vận hành công nghệ xử lý hạn chế chôn lấp. Mục tiêu hướng tới của tỉnh là phải đạt tiêu chuẩn xử lý không chôn lấp, tức là rác thải được thu gom về bãi xử lý tận dụng các phế liệu, phế phẩm để tái sinh hoàn toàn đến không còn gì để chôn lấp.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng Giám đốc Biwase khẳng định, việc xử lý rác thải thành phân Compos góp phần tiết kiệm đất chôn lấp, hạn chế lây lan ô nhiễm. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đánh giá rất cao và bày tỏ lòng biết ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan đã giúp đỡ tỉnh Bình Dương trong việc thu gom và xử lý rác thải.
Do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh khá nhanh, vấn đề rác thải đang rất cần sự đầu tư mạnh mẽ để có thể giải quyết triệt để tình trạng này, từ đó góp phần để tỉnh nhà đạt được sự phát triển bền vững. Trong điều kiện đó, việc thực hiện giai đoạn II: “Thu gom khí thải từ rác để phát điện” của khu liên hợp với nội dung chính là thu gom khí thải từ bãi chôn lấp để xử lý và phát điện, hạn chế khí thải phát tán ra môi trường là hết sức cần thiết và kịp thời. Giai đoạn II có vốn đầu tư 6,49 triệu euro; trong đó giá trị dự kiến khoản vay ưu đãi từ Chính phủ Phần Lan là 4,78 triệu euro, giá trị tài trợ không hoàn lại là 1,65 triệu euro...
DUY CHÍ