Khu đô thị Đại học Quốc gia, TP.HCM: Rác thải ngổn ngang!

Thứ tư, ngày 20/08/2014

(BDO)

  Một đống rác nằm chình ình ven đường!

Sống chung với rác!

Đoạn đường trước cổng cũ trường Đại học KHXH & NV TP.HCM, từ lâu đã hình thành khu vực chợ tự phát suốt dọc hai bên. Đường thì nhỏ hẹp giờ lại thêm cảnh họp chợ bày bán lại càng thêm chật. Đặc biệt, rác thải của các gian hàng đều được vất thẳng vào con mương nhỏ chảy ra hồ cá sinh viên. Khi trời nắng, mùi hôi thối bốc lên tanh tưởi, lúc trời mưa nước tràn khiến cho đường thêm lầy lội, bẩn thỉu. Trước kia, có xe buýt sinh viên và xe đưa rước giảng viên thường xuyên qua lại nên xảy ra tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm. Bạn Thanh, sinh viên trường Đại học KHXH & NV, lên tiếng: “Con đường này đã hẹp, khi trời mưa to mà cống không kịp thoát nước, mọi thứ rác thải trôi nổi lênh láng ra đường. Mình cố lội qua quãng nước tù đọng ấy mà đi thì sẽ bị dị ứng, nổi mẩn đỏ và ngứa mất vài ngày. Hôm trời không mưa thì mùi hôi thối từ rác thải quanh khu vực này bốc lên rất khó chịu”!

Những bãi cỏ hay các khu đất trống có thể tụ tập các nhóm bạn trẻ đông người đến sinh hoạt, ăn uống, nhiều khi trở thành bãi rác với cơ man nào là giấy vụn, hộp, ly nhựa, bao bì ni-lông... la liệt. Qua nhiều ngày, nếu không được dọn dẹp rác bị gió thổi bay đi khắp nơi, làm nhếch nhác cảnh quan của một khu đô thị trẻ. Tại đường 621, cửa ngõ dẫn vào làng đại học, 2 bên đường lúc nào cũng có nhiều rác thải; khu vực gần trường Đại học An ninh cũng không hề kém! Rác xuất hiện khắp nơi: Bến xe, trạm chờ xe buýt, khu dân cư sinh sống, nhà trọ sinh viên… gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe người dân. Không ít phụ huynh chẳng an tâm khi con em đến trọ học khu vực có nhiều rác thải. Cô Hằng, có con theo học trường Đại học quốc tế, thẳng thắn: “Ngày đầu đến làm thủ tục nhập học, hai mẹ con cô vừa xuống trạm chờ xe buýt gần nhà sách Nguyễn Văn Cừ thì thấy ngay đống rác to tướng đang bốc mùi hôi kinh khủng. Vì vậy, với ý định lúc đầu sẽ tìm nhà trọ quanh đây cho con được ở gần trường bỗng tan biến, nay cô bắt nó phải về nhà sau buổi học”.

Cấm… cũng như không!

Dạo quanh các trục đường lớn trong làng đại học, mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp những đống rác to đùng và không ít đống rác nằm vây kín cả bảng cấm đổ rác có kèm mức phạt vi phạm. Mặc dù, chính quyền địa phương đã đặt các biển báo cấm đổ rác với số tiền phạt khá cao nhằm răn đe nhưng xem ra cách làm này không khả quan. Tại bến xe buýt, những đống rác to đùng bao quanh các biển báo cấm, tạo hình ảnh phản cảm trong mắt mọi người. Khu vực cổng trường Đại học KHTN cũng không khá hơn là bao, nơi đây buổi tối là khu chợ đêm tự phát tập trung người mua bán tấp nập; đến hôm sau rác la liệt trên đường và vỉa hè. Cho dù lực lượng chức năng tổ chức tuần tra ráo riết, xử phạt nhưng chợ vẫn tiếp tục bày bán và xả rác. Cách đó không xa, Đoàn thanh niên của nhà trường có treo băng rôn: Tuyến đường thanh niên văn minh - xanh - sạch - đẹp, thì xung quanh khu vực vẫn luôn có vài đống rác nằm sẵn tự bao giờ! Theo các sinh viên ở trọ gần khu vực này cho biết, rác thải ở đây chủ yếu là từ các hộ gia đình chuyển đến, xe nước mía thì xả xác mía, sửa chữa điện gia dụng thì bỏ các thiết bị hỏng… Hiện nay, tại ký túc xá ĐHQG đã có quy định: Cấm sinh viên sử dụng hộp xốp đựng thực phẩm, còn khu chợ đêm mọi người đã có ý thức bảo vệ môi trường hơn nên cảnh rác thải tràn lan như trước đã giảm nhiều, song các khu dân cư thì chưa ổn chút nào!

Đây là địa bàn giáp ranh của tỉnh Bình Dương và TP.HCM, nên tình trạng xử lý rác thải chưa được quan tâm giải quyết; một số đống rác “công cộng” đã qua nhiều năm tồn đọng nhưng chưa thấy có công ty chuyên trách về môi trường hay địa phương tổ chức thu gom, dọn dẹp hay đứng ra xử phạt hành chính. Trước mắt, nhằm hạn chế nạn xả, đổ rác thải bừa bãi thì mỗi người dân, sinh viên đang sinh sống, trọ học ở nơi đây cần nêu cao ý thức gìn giữ vệ sinh, chung tay xây dựng môi trường sống sạch đẹp, trong lành.

 

 NGUYỄN HƯƠNG - HỒNG NHUNG