Khu công nghiệp Xanh: Thu hồi là hợp lý!
Có chủ trương từ năm 2004 và quyết định phê duyệt từ năm 2006, thế nhưng đến nay khu công nghiệp (KCN) Xanh tại xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên vẫn chưa được triển khai. Chính vì dự án “treo” quá lâu như vậy đã ảnh hưởng tới đời sống của người dân và hoạt động sản xuất -kinh doanh của hàng chục doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Nguyện vọng chính đáng của người dân và DN là mong muốn UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ thu hồi dự án này!
Khổ vì KCN “treo”!
KCN Xanh do Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Kinh doanh Khải Thái (Công ty Khải Thái) làm chủ đầu tư nằm tại ấp 3B, xã Khánh Bình, Tân Uyên có tổng diện tích 220,6 ha. Trong đó phần phát triển KCN là 200 ha được UBND tỉnh cho chủ trương và được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1107/QĐ-TTg ngày 21-8-2006; phần 20,6 ha hình thành khu tái định cư (TĐC) theo văn bản của UBND tỉnh từ tháng 12-2005 chấp thuận chủ trương đầu tư khu TĐC cho KCN Xanh. Nếu tính luôn thời gian từ cụm công nghiệp trước lúc chuyển sang KCN thì khu này có chủ trương quy hoạch từ tháng 6-2004. Về hiện trạng đất, theo UBND huyện Tân Uyên cho biết, trong KCN 200 ha có tổng số hộ có nhà ở trên đất là 69 hộ, diện tích lúa nước đang sản xuất là 30 ha, nghĩa trang nhân dân của xã 1,5 ha; trong diện tích này có 21 DN có chủ trương bố trí đầu tư với tổng diện tích là 75,4 ha, hiện đã có 18 DN đang xây dựng và đã đi vào hoạt động với diện tích 61,8 ha. Trong khu TĐC 20,6 ha có 5 DN, cơ sở đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11,7 ha. Diện tích còn lại có 32 hộ dân đang sinh sống ven trục đường ĐT747 A và một số diện tích xen lẫn giữa các DN và cơ sở sản xuất.
KCN Xanh triển khai chậm đã ảnh hưởng tới đời sống hàng trăm hộ dân
Dù có thời gian cho chủ trương khá lâu như vậy nhưng đến nay KCN Xanh chẳng có tiến triển gì, không thống nhất ranh giới, chưa được phê duyệt ranh giới và đến nay vẫn chưa cắm mốc. Do thời gian kéo dài mà không triển khai được gì làm người dân và DN đầu tư trong khu vực rất bức xúc vì họ phải sống “treo” theo quy hoạch. Ông Nguyễn Hữu Phước, nhà ở ấp 3B cho biết: “Người dân sống trên đất của mình mà luôn băn khoăn, thấp thỏm lo âu. Làm công nghiệp hay gì đi nữa thì mục tiêu vẫn là làm dân giàu nước mạnh, cứ dây dưa như thế này chỉ có dân khổ vì không an cư thử hỏi làm sao lạc nghiệp”. Theo ông Nguyễn Minh Thảo: “Từ năm 2004 đến giờ chẳng làm gì cả, ảnh hưởng tới cuộc sống nhiều người dân, nhà mục nát cũng không sửa chữa được”. Cũng chính vì không đồng thuận với cách làm của chủ đầu tư KCN Xanh mà 55 hộ dân đã ký đơn tập thể với ý kiến chung: “Thống nhất giữ nguyên hiện trạng, không thay đổi vị trí cũng như không di dời đến nơi khác. Đồng thời đề nghị, chấm dứt ngay dự án quy hoạch KCN Xanh do Công ty Khải Thái làm chủ đầu tư để người dân nằm trong vùng này yên tâm sản xuất và ổn định đời sống”. Trong khi đó, 20 DN trong số các DN trong khu vực cũng kiến nghị tập thể: “Đề nghị giữ nguyên hiện trạng, không thay đổi vị trí sản xuất của DN. Trong quá trình sản xuất các DN tự thân liên kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải và hệ thống thoát nước thải”.
Ý kiến từ địa phương
Theo nhận xét của UBND huyện Tân Uyên: “KCN Xanh Bình Dương đã được chấp thuận chủ trương đầu tư qua nhiều năm nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa triển khai thực hiện. Mặc dù được sự hỗ trợ tích cực từ phía UBND huyện, xã và các sở, ngành của tỉnh trong việc lập các thủ tục đầu tư; qua nhiều lần làm việc chủ đầu tư thiếu thiện chí phối hợp, không tôn trọng kết quả khảo sát vị trí, ranh giới quy hoạch của các đoàn khảo sát đủ thành phần từ tỉnh đến địa phương nhưng chủ đầu tư vẫn không thống nhất ranh giới. Cho đến hiện nay chủ đầu tư chưa bồi thường hoặc thỏa thuận bồi thường cho bất kỳ hộ gia đình, cá nhân, DN nào trong KCN và khu TĐC. Mặt khác, do chủ đầu tư thiếu tính chủ động phối hợp triển khai dự án, kéo dài thời gian đã gây phản ứng trong các hộ dân có đất trong vùng quy hoạch, ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất như thừa kế, xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất... gây tâm lý hoang mang, không yên tâm sản xuất, sinh sống của người dân. Việc này thể hiện qua các lần tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, huyện trên địa bàn xã Khánh Bình”.
Cũng theo UBND huyện Tân Uyên, thực trạng trên đất, các DN, cơ sở đang tồn tại và hoạt động ổn định. Một số DN đang đầu tư xây dựng với quy mô khá lớn. Do đó nếu KCN Xanh được triển khai thì việc sắp xếp các DN lại để xây dựng thiết kế hạ tầng kỹ thuật rất khó vì các DN, cơ sở và các hộ dân trong vùng quy hoạch không đồng ý di dời. Hơn nữa, trong phần diện tích quy hoạch có 30 ha đất lúa nước, theo quy định thì việc chuyển diện tích lúa nước để phát triển công nghiệp thì phải có ý kiến của Chính phủ. Về năng lực tài chính, theo báo cáo của chủ đầu tư đã dự tính nguồn vốn đầu tư là 20 triệu USD nhưng chủ đầu tư chưa có văn bản nào chứng minh khả năng về tài chính gửi UBND huyện. Hơn nữa, với hàng trăm hộ dân và hàng chục DN có nhà máy quy mô lớn thì có 20 triệu USD cũng chẳng thấm vào đâu khi đền bù giải tỏa!
Thu hồi là hợp lý
Trên thực tế khi làm KCN, Chính phủ chỉ chấp thuận về chủ trương còn xác định cụ thể về ranh giới KCN thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Việc xác định ranh giới phải căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của địa phương; trong đó cần hạn chế tối đa xáo trộn, ảnh hưởng đến ổn định cuộc sống của nhân dân trong khu vực vốn sinh sống từ lâu đời kèm theo một số DN đã đầu tư đi vào hoạt động. Chính vì vậy, theo quan điển của địa phương và các sở ngành, không nên quy hoạch diện tích khu dân cư ven đường làm KCN nhằm hạn chế ảnh hưởng đến cộng đồng. Thế nhưng nhiều năm qua, chủ đầu tư không thống nhất với quan điểm của địa phương, của các sở ngành nên để việc triển khai KCN Xanh chẳng có kết quả gì mà chỉ đi đến bế tắc...
Từ những vấn đề trên, UBND xã Khánh Bình cho rằng: “Việc triển khai KCN Xanh chậm thực hiện, khả năng đầu tư của Công ty Khải Thái không khả thi. UBND xã Khánh Bình kiến nghị UBND tỉnh xem xét lập thủ tục trình Chính phủ thu hồi lại dự án KCN Xanh”. Đồng ý với kiến nghị này, huyện Tân Uyên đề nghị: “Việc triển khai KCN Xanh chậm thực hiện, kéo dài nhiều năm, chủ đầu tư là Công ty Khải Thái thiếu thiện chí đầu tư, chưa có kinh nghiệm đầu tư KCN... Do đó, huyện kiến nghị UBND tỉnh xem xét lập thủ tục trình Chính phủ thu hồi dự án đầu tư KCN Xanh trên địa bàn xã Khánh Bình”.
Trước ý kiến của xã Khánh Bình và huyện Tân Uyên, trong cuộc họp với các sở, ngành để giải quyết KCN Xanh vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng: Trong vùng quy hoạch KCN Xanh, diện tích của nhiều DN đã hoạt động ổn định, hình thành trước đó khá lớn; diện tích đất lúa cũng nhiều và có cả diện tích nghĩa trang nhân dân; diện tích còn lại không lớn và da beo nên triển khai KCN không có tính khả thi. Hơn nữa, thời gian cho chủ trương KCN Xanh đã quá lâu mà chủ đầu tư chưa triển khai được gì, chưa xây dựng phương án đền bù, chưa xác định ranh giới... Việc này đã ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, hoạt động của DN và gây bức xúc cho cả chính quyền địa phương. Từ thực tế đó, tỉnh thống nhất ý kiến của huyện, trên cơ sở xem xét và đánh giá kỹ bằng văn bản, tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ thu hồi chủ trương KCN Xanh.
TRỌNG MINH