Khu công nghiệp Việt Hương 2 (An tây - bến cát): Nước thải sau “xử lý”... không đường thoát!

Thứ tư, ngày 25/08/2010

Khu công nghiệp (KCN) Việt Hương 2 trú đóng trên địa bàn xã An Tây, huyện Bến Cát đã chính thức hoạt động từ năm 2007; hiện đã có 14 doanh nghiệp  đi vào sản xuất với các ngành nghề như dệt nhuộm, thuộc da, may mặc... Sau gần 4 năm hoạt động mà KCN này vẫn “chưa” có hệ thống thoát nước ở khu vực bên ngoài để dẫn nước thải đã qua xử lý!

Xả thải... “tự ngấm”!

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Hương Hàng Vay Chi, cho biết: Năm 2005, KCN Việt Hương 2 chính thức được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến năm 2007. Trong KCN thì đã xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải tập trung; còn việc xây dựng hệ thống thoát nước ở khu vực bên ngoài KCN Việt Hương 2 để dẫn nước thải đã qua xử lý là trách nhiệm thuộc phía Nhà nước thì chưa có!

 Không có đường thoát nước thải sau xử lý, nhà máy xử lý nước thải đành phải thải tràn ra đất để “tự ngấm”!

Việc chậm trễ trong xây dựng hệ thống thoát nước ở bên ngoài KCN này thì theo ông Hàng Vay Chi là do ảnh hưởng của việc chậm thi công tuyến đường ĐT744, đoạn đi qua địa bàn xã An Tây. Bởi trước khi dự án KCN Việt Hương 2 được phê duyệt thì tỉnh đã có kế hoạch xây dựng đồng bộ, trong đó có cả hệ thống thoát nước cho bên ngoài KCN, chứ không phải “đợi đến nay mới có kế hoạch làm”.

Mặc dù KCN Việt Hương 2 không có “đầu ra” cho nước thải sau xử lý, trong khi các doanh nghiệp thì đã được cấp phép và đi vào hoạt động từ hơn 3 năm qua. Với bế tắc này, nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN chỉ còn cách xả thải thẳng ra khu đất trống trong khuôn viên của KCN! Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân quanh khu vực bức xúc, thường xuyên phản ánh, bởi việc xả thải tràn ra đất và để “tự ngấm” sẽ gây ô nhiễm cho mạch nước ngầm.

Không thể ngưng xả thải!

Chiều 30-7 vừa qua, một số hộ dân ngụ ấp Lồ Ồ, xã An Tây đã có phản ứng mạnh về việc KCN Việt Hương 2 xả thải gây mùi hôi. Ngay sau đó, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bến Cát kết hợp cùng chính quyền địa phương lập biên bản hiện trường và lấy mẫu nước thải gửi đi phân tích. Để đánh giá chất lượng nước thải, tổ kiểm tra tiến hành lấy 3 mẫu nước thải và yêu cầu nhà máy xử lý nước thải ngưng ngay việc xả nước thải ra môi trường cho đến khi có kết quả phân tích... (Báo Bình Dương số ra ngày 13-8-2010 đã có bài phản ánh).

Theo ghi nhận của phóng viên (PV), mặc dù “lệnh cấm” xả thải đã được cơ quan chức năng ban hành từ ngày 30-7-2010 nhưng hơn 3 tuần qua, KCN này vẫn tiếp tục xả thải như thường. Lý giải về việc này, cán bộ quản lý môi trường của Công ty Cổ phần Việt Hương, Lê Minh Hiếu, cho biết: “Nếu nước thải sau xử lý mà không có “lối thoát” thì sẽ gây ngập, các doanh nghiệp bị thiệt hại hàng hóa, đình trệ sản xuất thì ai chịu trách nhiệm? Vì các doanh nghiệp này đều được Nhà nước cấp phép cho hoạt động nên KCN không có quyền không tiếp nhận nước xả thải của đơn vị họ nếu như họ đã xử lý đúng quy trình như cam kết... Với thực tế như vậy nên không còn cách nào khác, buộc lòng nhà máy xử lý nước thải phải bơm xả thải ra khu đất trong KCN để tự ngấm”!

Việc nhà máy xử lý nước thải của KCN Việt Hương 2 xả thải thẳng ra khu đất trong KCN để tự ngấm dần thì sẽ ảnh hưởng thế nào cho môi trường, điều này còn phải chờ vào kết quả phân tích nước từ phía ngành chức năng. Tuy nhiên, theo tài liệu P.V mà thu thập được thì vào ngày 27-7-2010, phía Công ty Cổ phần Việt Hương cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh, cùng ngành chức năng thừa nhận: KCN đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất giai đoạn một là 2.000m3/ngày/đêm và đã được Sở Tài nguyên - Môi trường chấp thuận cho đưa vào hoạt động từ ngày 5-4-2007. Tuy nhiên, quá trình vận hành xử lý nguồn nước thải của các doanh nghiệp trong KCN, do công ty không kiểm soát được kịp thời nên việc xử lý nước đầu ra chưa đạt chuẩn theo quy định (độ màu vượt 3,2 lần). Với những hạn chế này, công ty đã cam kết là sẽ cải tạo lại hệ thống cho đến ngày 15-11-2010 sẽ hoàn thành.

Để KCN Việt Hương 2 có đầu ra cho nước thải sau xử lý, ông Hàng Vay Chi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Hương kiến nghị: tỉnh cần sớm hỗ trợ công ty xây dựng hệ thống thoát nước ở khu vực bên ngoài KCN để tránh “bế tắc” như hiện nay.

TRUNG HẬU - QUANG TÁM