Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng: Bảo đảm hạ tầng thu hút đầu tư
(BDO) Thời gian qua, Bình Dương đã nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) - đô thị Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) nhằm bảo đảm thu hút đầu tư và ổn định đời sống người dân sau thu hồi đất, qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Bàu Bàng trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị ở phía bắc của tỉnh.
KCN - đô thị Bàu Bàng được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư. Trong ảnh: Cổng vào KCN - đô thị Bàu BàngẢnh: T.PHÚC
Ông Nguyễn Khắc Tri, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, qua việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025; trong đó chú trọng mở rộng phát triển công nghiệp về phía bắc của tỉnh, huyện Bàu Bàng đã triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của huyện đến năm 2025.
Hiện nay, quỹ đất của huyện Bàu Bàng dành cho phát triển KCN là lớn nhất tỉnh. Trên địa bàn huyện có 1.100 ha quỹ đất dành cho phát triển khu đô thị và 1.000 ha phát triển KCN. Theo dự kiến, trong thời gian tới huyện Bàu Bàng sẽ mở rộng tổng diện tích khu đô thị lên thành 1.300 ha, tổng diện tích KCN lên 1.700 ha. Đây là nền tảng cho Bàu Bàng đầu tư có trọng điểm, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị - dịch vụ.
Bảo đảm hạ tầng
Theo ông Bùi Minh Trí, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, đến nay KCN - đô thị Bàu Bàng đã hoàn tất 99,39% công tác giải tỏa, đền bù, bảo đảm quỹ đất sạch để triển khai dự án. Ngoài ra, hệ thống giao thông đã được đầu tư hoàn tất 19 tuyến đường trên tổng số 33 tuyến đường; 10 tuyến đường đã được thực hiện phần nền hạ, còn lại 4 tuyến đường chưa thi công. Bên cạnh đó, KCN - đô thị đã được đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 4.000m3/ngày đêm.
Đối với việc trồng cây xanh, KCN - đô thị đã trồng khoảng 50% diện tích cây xanh theo quy hoạch...
Ông Trí cho biết thêm, hiện nay KCN Bàu Bàng đã cho thuê khoảng 46,18% diện tích đất công nghiệp được cho phép thuê. Tiêu chí thu hút đầu tư tại KCN - đô thị Bàu Bàng là: Đối với doanh nghiệp dệt may không có nhuộm, tự xử lý cục bộ đạt loại B, KCN tiếp nhận để xử lý ra loại A thì doanh nghiệp phải nộp phí là 0,25 USD/m3 (chưa bao gồm VAT), tính bằng 80% lượng nước cấp, thanh toán hàng tháng; đối với doanh nghiệp dệt may có nhuộm tự xử lý đạt loại A thì không phải nộp phí xử lý nước thải nhưng phải trả phí kết nối hạ tầng và phí phối hợp kiểm tra giám sát là 0,05 USD/m3 (chưa bao gồm VAT), tính bằng 80% lượng nước cấp, thanh toán hàng tháng; chi phí khác (điện, nước, viễn thông...) doanh nghiệp ký hợp đồng thanh toán trực tiếp cho các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Ổn định tái định cư
Bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài của người dân bị thu hồi đất là một trong những hướng giải quyết khi thu hồi đất của người dân để xây dựng các KCN ở tỉnh trong thời gian qua. Ông Nguyễn Khắc Tri cho biết, hiện nay đời sống các hộ dân tái định cư trong diện đền bù giải tỏa của KCN - đô thị Bàu Bàng đã ổn định và ngày càng khởi sắc. Khu tái định cư được bố trí ngay trung tâm Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng. Nhờ có lợi thế về cơ sở hạ tầng nên người dân sau tái định cư ở đây đã phát triển các dịch vụ như buôn bán tạp hóa, mở nhà hàng, nhà nghỉ và dịch vụ ăn uống...
Chị Lê Thị Thảo ở khu tái định cư KCN - đô thị Bàu Bàng cho biết, hệ thống đường giao thông trong khu này được đầu tư xây dựng khang trang, sạch sẽ và có cả cây xanh. Chị hài lòng khi đến đây ở và rất phấn khởi khi vùng đất thuần nông trước đây đang đổi thay mạnh mẽ.
Phát triển KCN đi đôi với việc thực hiện đền bù giải tỏa, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, ổn định đời sống người dân sau tái định cư đã góp phần phát triển kinh tế huyện Bàu Bàng. Kết quả này đã tạo điều kiện thuận lợi để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện hoàn thành mục tiêu sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị ở phía bắc của tỉnh Bình Dương trong nhiệm kỳ 2015-2020.
LÊ THÀNH PHÚC