Khu Công nghiệp Bàu Bàng: Bảo đảm hạ tầng để thu hút đầu tư

Thứ năm, ngày 12/11/2015

Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) được thành lập là thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp về phía bắc của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã nỗ lực thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng KCN này nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư. Riêng từ đầu năm đến nay, KCN Bàu Bàng đã thu hút được nhiều dự án lớn, góp phần vào kết quả thu hút đầu tư của cả tỉnh.

 Hạ tầng đồng bộ

(BDO) Ông Lê Khắc Tri, Chủ tịch UBND huyện bàu Bàng, cho biết qua việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025, trong đó tỉnh chú trọng mở rộng phát triển công nghiệp về phía bắc, huyện Bàu Bàng đã triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của huyện đến năm 2025. Hiện nay, quỹ đất của huyện dành phát triển KCN là lớn nhất tỉnh. Trên địa bàn huyện hiện có 1.100 ha quỹ đất dành phát triển khu đô thị và 1.000 ha phát triển KCN.

 Các doanh nghiệp tại KCN Bàu Bàng hoạt động hiệu quả. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Nhà máy cửa nhựa uPVC, KCN Bàu Bàng

Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư tại KCN phụ trợ nằm trong KCN Bàu Bàng có diện tích rộng 300 ha và để tận dụng cơ hội khi Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Việt Nam ký kết, huyện Bàu Bàng đang xin chủ trương phát triển thêm 1.700 ha đất công nghiệp. Đây là nền tảng để Bàu Bàng đầu tư có trọng điểm, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị - dịch vụ.

Theo ông Bùi Minh Trí, Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, đến nay KCN Bàu Bàng đã hoàn tất 99,39% công tác giải tỏa, đền bù và bảo đảm quỹ đất sạch để triển khai dự án, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký là triển khai đầu tư ngay. Về hệ thống giao thông, KCN đã đầu tư hoàn tất 19 tuyến đường trên tổng số 33 tuyến đường; 10 tuyến đường đã được thực hiện phần nền hạ; còn lại 4 tuyến đường chưa thi công. Bên cạnh đó, KCN đã được đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 4.000m3/ngày đêm. Đến nay, hơn 50% diện tích KCN đã được các doanh nghiệp, nhà đầu tư thuê.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình, cho biết hiện nay ngành da giày chủ yếu phải nhập nguồn nguyên liệu phụ trợ. Khi Bình Dương phát triển KCN phụ trợ, bên cạnh việc tăng thu hút đầu tư, các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng lợi đầu tiên, giúp họ tự chủ trong sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu.

Thu hút nhiều dự án lớn

Đến nay, trên địa bàn huyện Bàu Bàng có 235 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 3.258,9 tỷ đồng và 42 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 652,3 triệu USD. Việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua không chỉ tăng về tổng vốn đầu tư mà còn tăng cả về quy mô từng dự án.

Điều đáng ghi nhận là huyện Bàu Bàng đã có những dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, như: Công ty TNHH Far Eastern Polytex Việt Nam đầu tư 275 triệu USD cho giai đoạn I, thực hiện một chuỗi liên hợp hóa sợi - dệt nhuộm quy mô lớn. Khi hoàn tất các giai đoạn vốn của dự án sẽ là 1 tỷ USD; Tập đoàn DDK (Đài Loan) đã đạt được thỏa thuận quan trọng với Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) nhằm thuê lại 80 ha đất tại KCN Bàu Bàng... Ông Richard Tsai, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn DDK, cho biết: “Chúng tôi sẽ thành lập một liên doanh để đầu tư dự án tại Việt Nam chuyên sản xuất phụ tùng xe đạp và linh kiện nhựa. Dự án này sẽ có vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút khoảng 60 doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực đến đầu tư. 

Khi đi vào hoạt động, dự án có thể tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động”.

Có thể thấy, Bình Dương thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng KCN phụ trợ ở Bàu Bàng, cùng những nỗ lực cải cách hành chính hiệu quả sẽ là điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào công nghiệp phụ trợ tại tỉnh, qua đó giúp DN tự chủ trong sản xuất, chủ động đầu tư thương hiệu và sản xuất nguyên phụ liệu. Ngoài ra, tới đây Bình Dương sẽ công bố quy hoạch vùng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu gắn với phát triển công nghiệp phụ trợ. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để DN tận dụng được những lợi thế mà TPP mang lại. Điều này cũng sẽ tác động tích cực đến thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ tại KCN Bàu Bàng, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển các KCN trong thời gian tới.

 PHƯƠNG LÊ

Từ khóa: