Khu căn cứ Bàu Gốc: “Địa chỉ đỏ”gắn với lịch sử phát triển của Công an Bình Dương
(BDO) Khu căn cứ Bàu Gốc, “Địa chỉ đỏ” gắn với lịch sử phát triển của Công an Bình Dương, thuộc xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Đây là địa danh thân thiết, thiêng liêng, gắn với lịch sử cách mạng của Chiến khu Đ nói chung và của lực lượng Công an Bình Dương nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Các đoàn viên thanh niên Công an tỉnh sinh hoạt chính trị tại khu căn cứ Bàu Gốc
Trở về căn cứ Bàu Gốc hôm nay, điều mà nhiều người cảm nhận được là sự thay đổi. Dưới tán rừng cao su là những hạng mục công trình mang nhiều ý nghĩa lịch sử và được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 2017.
Ngược dòng lịch sử, ngày 16-10-1967, toàn bộ Ban An ninh tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) rời vùng đất Bắc Bến Cát chuyển sang Ban An ninh tỉnh Phước Thành hợp nhất các đơn vị thành Ban An ninh Phân khu 5 và chọn rừng Bàu Gốc làm căn cứ để phát triển lực lượng và tham gia chiến dịch Mậu Thân. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, địch phản công quyết liệt, căn cứ Bàu Gốc bị đánh phá liên tục, cơ quan phải nhiều lần di chuyển từ Bàu Gốc lên bờ nam, bờ bắc sông Bé, lên tận vùng rừng Mã Đà, Bàu Cháp của Chiến khu Đ.
Tháng 12-1974, Ban An ninh tỉnh chuyển về vùng rừng Bàu Gốc của xã Bình Mỹ xây dựng lại căn cứ kháng chiến. Tại căn cứ này, Ban An ninh tỉnh tập trung xây dựng và phát triển lực lượng, mở nhiều cuộc họp tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 13-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ ngày 20 đến 26-4-1975, tại căn cứ Bàu Gốc, Ban An ninh tỉnh mở nhiều cuộc họp nhằm chuẩn bị lực lượng, phương tiện tham gia chiến dịch. Ban An ninh tỉnh đã tiến hành lập tiểu ban tiếp quản và xây dựng kế hoạch tấn công chiếm tỉnh lỵ bằng 3 mũi giáp công. Rạng sáng 27-4-1975, 3 mũi tiến công của ta đồng loạt tiến thẳng vào các mục tiêu đã định...
45 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng trong tâm trí của những người từng chiến đấu trên chiến trường này thì những tháng ngày gian khổ, ác liệt vẫn như vừa mới hôm qua. Trong cảnh đói cơm, lạt muối, bệnh tật hành hạ nhưng tất cả cán bộ chiến sĩ Ban An ninh năm xưa vẫn một lòng sắt son với cách mạng, không sợ hy sinh gian khổ. Lịch sử đã chứng kiến, Tổ quốc ghi công hàng trăm cán bộ chiến sĩ Ban An ninh đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường của tỉnh. Và tại vùng căn cứ này, nhiều đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Sự hy sinh mất mát này là không gì bù đắp được nhưng cũng là niềm vinh dự, tự hào của lực lượng Công an Bình Dương, thể hiện truyền thống vì nước, vì dân quên thân phục vụ, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giải phóng quê hương.
Đồng chí Mai Công Danh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sĩ quan công an hưu trí tỉnh, cho biết việc xây dựng khu căn cứ Bàu Gốc trở thành nơi để đoàn viên thanh niên cũng như người dân, đặc biệt là người dân có người thân, đồng chí đồng đội nằm lại ở chiến trường này đến thắp một nén hương hay dâng một đóa hoa để tưởng nhớ là một việc làm hết sức ý nghĩa.
Đối với thế hệ trẻ hôm nay, bên cạnh nhiệm vụ chính trị được giao, công tác tổng kết lịch sử, bảo tàng, ghi lại các chiến tích là đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm cao cả của thế hệ hôm nay và mai sau đối với người đi trước. Chính vì thế, việc xây dựng khu tưởng niệm căn cứ Bàu Gốc của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh là chủ trương hết sức đúng đắn để khu căn cứ trở thành một địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh.
Kể từ khi xây dựng năm 2014 đến nay, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã cùng Câu lạc bộ Sĩ quan công an hưu trí tỉnh tôn tạo khu tưởng niệm căn cứ Bàu Gốc nhiều hạng mục công trình có ý nghĩa, như: Gian thờ chính để tưởng niệm các anh hung liệt sĩ, bếp Hoàng Cầm, khu nhà tránh bom, hầm bí mật, giao thông hào và một số hạng mục tái hiện lại cuộc sống, nơi làm việc của các chiến sĩ an ninh năm xưa tại khu căn cứ…
Đối với những cán bộ chiến sĩ Công an Bình Dương hôm nay, căn cứ Bàu Gốc không chỉ là công trình thể hiện lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, lực lượng an ninh Bình Dương mà tri ân cả quân dân đã từng sống, chiến đấu vì độc lập tự do trên quê hương này mà còn là địa chỉ đỏ để thế hệ đời sau học tập, phát huy truyền thống anh hùng của cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là nơi giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; là nơi hun đúc lòng yêu nước của bao thế hệ, nơi đây sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh của quân và dân ta. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an Bình Dương trong sạch, vững mạnh.
Trung úy Hồ Thị Thanh Thảo, đoàn viên Công an tỉnh, cho biết: “Khi được các đồng chí lão thành giới thiệu về quá trình hình thành căn cứ Bàu Gốc, bản thân tôi cảm thấy rất xúc động và tự hào, từ đó tự hứa phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn, tôn tạo khu di tích cũng như thường xuyên tổ chức các hoạt động, buổi sinh hoạt chính trị tại đây để tuyên truyền cho các bạn đoàn viên thanh niên Công an tỉnh hiểu rõ hơn về lịch sử của Công an tỉnh Bình Dương”. |
KHẮC CHUNG