Không xem nhẹ giáo dục kỹ năng sống cho học sinh!

Thứ hai, ngày 10/03/2014

Cùng với nhiều động thái đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục mà rõ nhất là xây dựng đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa đang cho triển khai đóng góp ý kiến, mới đây Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành thêm thông tư quy định về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Thông tin này không chỉ tạo sự phấn khởi cho các trường, các phụ huynh mà còn toàn xã hội bởi việc giáo dục kỹ năng sống, “kỹ năng mềm” đang rất cần được quan tâm nhiều hơn cả về mặt nhận thức lẫn thực tế triển khai.

Thời gian gần đây, những vụ việc liên quan đến việc suy thoái đạo đức, lối sống của giới trẻ diễn ra khá phổ biến không chỉ với các em đã vào tuổi trưởng thành mà còn có cả các học sinh (HS) đang ngồi trên ghế nhà trường. Những từ khóa như “HS đánh bạn”, “nữ sinh quậy”, “hôn nhau tại lớp học”... nhanh chóng cho hàng loạt kết quả tìm kiếm trên internet. Mới đây, dư luận lại xôn xao với đoạn video clip ghi lại cảnh một thầy giáo trẻ ở Bình Định tát HS và bị chính HS “phản công” lại... Những vụ việc buồn ấy mặc dù sau đó đã được người có trách nhiệm xử lý nhưng vẫn làm dư luận không giảm bức xúc, lo âu trước thái độ ứng xử không tốt, dễ dàng bộc phát của một bộ phận HS và cả người lớn ngày càng diễn ra dưới nhiều hình thức.

Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chính việc đánh giá HS bằng điểm số cộng với bệnh thành tích đã dẫn đến sự khô khan và độc đoán. Hệ lụy của tình trạng này là tâm lý phân biệt môn chính - môn phụ, mà giáo dục kỹ năng sống thường bị xem nhẹ. Cho nên, ngay từ bậc tiểu học, HS đã quá thiếu những nội dung như giáo dục về phong tục tập quán, văn hóa sống của người Việt Nam, bên cạnh đó là các kỹ năng ứng dụng, cách ứng phó với các sự cố nguy hiểm, nguy cơ bị xâm hại... Từ đó, các em nhỏ kém hiểu biết về thế giới xung quanh. Đây là hậu quả không nhỏ bởi tác hại của nó không chỉ dừng lại ở một thế hệ.

Rõ ràng, việc coi trọng dạy chữ hơn dạy người một cách toàn diện, nặng lý thuyết hơn thực hành, ứng dụng là một tình trạng phổ biến và thường gắn với bệnh thành tích, vì thế để tháo gỡ tình trạng này trước hết phải bắt đầu từ nhận thức. Kỹ năng sống không thể nhanh chóng có được trong ngày một ngày hai, nên cần có sự quan tâm sâu sắc hơn ngay từ hôm nay để có kết quả tốt hơn trong ngày mai. Bên cạnh đó, những phong trào đã phát động rộng rãi như “trường học thân thiện, học sinh tích cực” có liên quan nhiều đến kỹ năng sống, cũng cần được thực hiện một cách thiết thực hơn để phát huy hết ý nghĩa.

Giảm tải, lược bớt những nội dung không cần thiết, quá sức để bù đắp những nội dung thiết thực, tăng tính thực tiễn, thực hành, giáo dục kỹ năng sống cho HS... là những nội dung cần làm trong quá trình đổi mới, hiện đại hóa nền giáo dục ở nước ta. Trong đó, trang bị những kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho HS ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết không thể chần chừ, bởi đó không chỉ là đòi hỏi về hành trang của một con người trong bối cảnh hôm nay mà còn cả tương lai.

Q.MINH