Không tổ chức lớp không chuyên trong trường trung học phổ thông chuyên
(BDO)
Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên.
Điểm đáng chú ý trong Thông tư này là Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức yêu cầu không tổ chức lớp không chuyên trong trường trung học phổ thông chuyên.
Việc tuyển sinh các lớp không chuyên trong trường trung học phổ thông chuyên theo quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15/2/2012 và Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Điều 23 và Điều 24 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên ban hành kèm theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT sẽ được thực hiện hết năm học 2023-2024.
Các lớp không chuyên đã tuyển sinh và tổ chức trong trường trung học phổ thông chuyên tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT và Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT cho đến khi học hết lớp 12.
Theo thông tư mới, lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học (gọi chung là lớp chuyên). Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.
Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trường chuyên quyết định số môn học được tổ chức lớp chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường chuyên, theo nhiệm vụ được giao và thành tích đạt được, được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
Ngoài các nhiệm vụ và quyền của học sinh theo quy định tại Điều lệ trường Trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh trường chuyên có nhiệm vụ và quyền sau: yích cực tham gia các kỳ thi, hội thi, hoạt động văn hóa, xã hội và nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của nhà trường.
Trường hợp học sinh phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp theo quyết định của cơ quan quản lý trường chuyên; được tạo điều kiện nội trú khi có nhu cầu, được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định đối với học sinh trường chuyên. Cựu học sinh trường chuyên được tạo điều kiện tham gia các hoạt động của nhà trường.
Học sinh chuyên đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp địa phương, quốc gia, quốc tế được xét cấp học bổng khuyến khích học tập và hưởng chế độ khen thưởng theo quy định.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với trường chuyên thuộc tỉnh), cơ sở giáo dục đại học (đối với trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học) quyết định chính sách bổ sung chế độ học bổng, khen thưởng đối với học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện, có thành tích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế.
Việc xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào cơ sở giáo dục đại học trong nước, cử đi đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài của học sinh trường chuyên được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hệ thống trường chuyên bao gồm trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 1 trường chuyên.
Trường chuyên thuộc tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học do cơ sở giáo dục đại học quản lý về công tác tổ chức, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính và tuyển sinh; chịu sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở về thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, tổ chức thi tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp.
Thông tư mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2023./.
Theo TTXVN